Trợ lực vốn cho ngành tôm

Tôm ít, giá tăng, nguyên liệu thiếu

Theo quan sát trên thị trường, từ giữa tháng 8/2024, giá tôm thương phẩm ở ĐBSCL tăng khá mạnh. Giá tôm nguyên liệu tăng đột biến trong tháng 10 và tiếp tục tăng cao trong tháng 11/2024. Nguyên nhân được cho là do nguồn cung giảm, trong vụ bà con nuôi ít và dịch bệnh trên tôm vẫn tiềm ẩn. Trong khi đó, sản xuất tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất chính trên thế giới gặp nhiều vấn đề khiến sản lượng giảm.

Người nuôi tôm có cơ hội lớn để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ảnh: ST

Đặc biệt, nhu cầu đơn hàng lớn, nên để đáp ứng xuất khẩu, các nhà máy chế biến lớn phải tăng giá mua. Giữa tháng 11/2024, loại 50 con/kg, tăng lên 155.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất của tôm loại này kể từ cuối năm 2021. Tôm cỡ 100 con/kg thu hoạch tại tỉnh Đồng Tháp, có giá là 85.000 – 90.000 đồng/kg. Ngay từ thời điểm đó, các chuyên gia đã dự đoán nguồn cung sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I/2025.

Tuy nhiên, bước sang năm 2025, tình hình nuôi tôm cũng chưa thực sự như mong muốn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đầu năm, hiện tượng El Nino đang gây ra tình trạng khô hạn tại nhiều khu vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt chất lượng nước bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến năng suất nuôi tôm bị giảm. Trong khi đó, chi phí sản xuất tôm lại gia tăng đáng kể do nhiều yếu tố. Giá thức ăn ở mức cao, chi phí điện năng và lao động cũng tăng. Tất cả những yếu tố này đã và sẽ làm cho giá thành tôm đầu ra cao hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi cũng như thị trường tiêu thụ. Do đó, để đảm bảo sản xuất tôm được ổn định, ngoài những giải pháp về kỹ thuật, người nuôi tôm cần thêm những trợ lực lớn, trong đó, nguồn vốn là rất cấp thiết.

Phát biểu tại một hội thảo chuyên ngành tôm mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, lĩnh vực nuôi tôm cần được tạo động lực như người nuôi có thể được thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường, cấp giấy phép mặt nước cho người dân để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.

Chính sách vốn cho con tôm

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nâng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng trên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia.

Ngay sau đó, ngày 04/3/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Văn bản số 1545/NHNN-TD về việc nâng quy mô Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và mở rộng phạm vi thành Chương trình đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Nội dung công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 01/03/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phát thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu nâng quy mô Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi Chương trình đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Để triển khai nhiệm vụ trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau: 1. Các Ngân hàng: NN&PTNT, TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, TMCP Công thương Việt Nam, TMCP Ngoại thương Việt Nam, TMCP Lộc Phát, TMCP Sài Gòn Thương Tín, TMCP Quân đội, TMCP Á Châu, TMCP Nam Á, TMCP Phương Đông, TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, TMCP Bản Việt, TMCP Sài Gòn – Hà Nội, TMCP Việt Nam Thương tín, TMCP Phát triển Hồ Chí Minh tiếp tục nâng quy mô Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo hướng dẫn của NHNN tại Văn bản 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 và mở rộng đối tượng, phạm vi tham gia thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của khách hàng thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và khả năng mở rộng tín dụng của Ngân hàng. Các Ngân hàng thương mại khác có nhu cầu tham gia Chương trình, có văn bản đăng ký gửi về NHNN (gồm các nội dung: số tiền đăng ký tham gia; lãi suất áp dụng).

Trước đó, gói tín dụng lâm, thủy sản được xây dựng với trị giá 15.000 tỷ đồng vào giữa tháng 7/2023. Sau đó, đến cuối năm 2023 nâng lên 30.000 tỷ đồng và sang năm 2024 nâng lên 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thương mại từ 1 – 1,5%/năm, nên tốc độ giải ngân rất nhanh chóng. Và với việc nâng mức lên 100.000 tỷ đồng, sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp và người nuôi tiếp cận nhằm duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Khu vực 2 cho biết, việc nâng quy mô của gói tín dụng cho vay lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhóm ngành này tiếp tục tăng trưởng và phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bảo Hân

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *