Cơ hội và thách thức từ thị trường Anh
Trong tháng 1/2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Anh đạt hơn 16 triệu USD, tăng 8% so cùng kỳ năm trước. Anh hiện là thị trường đơn lẻ lớn thứ sáu nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường quốc tế. Đặc biệt, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 70%, trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào quốc gia này.
Các sản phẩm tôm chủ lực được Việt Nam xuất khẩu sang Anh bao gồm: TTCT bóc vỏ, bỏ đuôi đông lạnh, TTCT PD đông lạnh, TTCT hấp, luộc đông lạnh, TTCT tươi, đông lạnh và TTCT tẩm bột xù.
Dù xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh trong những năm qua không ổn định, với sự tăng giảm thất thường, nhưng Anh vẫn được coi là thị trường quan trọng nhờ các ưu đãi trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. Từ năm 2018 đến 2024, xuất khẩu tôm sang Anh đạt đỉnh vào năm 2020 với hơn 243 triệu USD, sau đó giảm dần và chạm đáy vào năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi với hơn 212 triệu USD.
Bước sang tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm sang Anh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực từ năm 2024. Hiện, Việt Nam đã tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Vương quốc Anh là CPTPP và UKVFTA. Sự kết hợp giữa nội dung và cách tiếp cận của hai hiệp định này tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu tôm sang Anh.
Tôm chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ thủy sản tại Anh. Trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, tôm là nguyên liệu phổ biến, được sử dụng trong khoảng 61% các cơ sở kinh doanh tại quốc gia này. Đặc biệt, tôm cũng được ưa chuộng trong các nhà hàng Ấn Độ và Trung Quốc, qua các món ăn như cuốn, súp, há cảo, màn thầu,…
Việt Nam hiện vẫn giữ vị thế là nhà cung cấp tôm lớn nhất tại Anh. Thế nhưng, cũng giống như nhiều thị trường trọng điểm khác, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt về giá với tôm từ Ấn Độ và Ecuador.
Với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil,… Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế ưu đãi, sản phẩm thủy sản Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tính bền vững và trách nhiệm xã hội.
Người tiêu dùng Anh luôn ưu tiên các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, bền vững, thân thiện với môi trường và tiện dụng. Do đó, để mở rộng thị phần thủy sản, đặc biệt là tôm, tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, hình thức và khẩu vị. Đồng thời, cần đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng và nắm vững các quy định của thị trường.
Băng Sương
Bình luận gần đây