Xuất khẩu tôm khởi sắc
Tăng trưởng ấn tượng
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 và hai tháng đầu năm tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 2/2025 đạt 655,197 triệu USD, tăng 42,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt tổng kim ngạch hơn 1,42 tỷ USD, tăng trưởng 18,2% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất, đóng góp 542,387 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 30,8% so cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 2/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 231,406 triệu USD, tăng 33,9% so cùng kỳ. Sự phục hồi này cho thấy, ngành tôm đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giá thấp kéo dài trong năm 2023 – 2024.
Theo VASEP, dù nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ giảm trong năm 2024, các thị trường khác như EU và một số khu vực mới nổi đã bù đắp khoảng trống, giúp sản xuất tôm toàn cầu duy trì ổn định trong khi giá cả cải thiện. Đây là dấu hiệu của sự cân bằng lành mạnh hơn giữa cung và cầu.
EU hiện là thị trường đáng chú ý với lượng nhập khẩu TTCT tươi đông lạnh và chế biến giá trị gia tăng đạt 376.875 tấn trong năm 2024, tăng 4% so năm 2023. Xu hướng tăng trưởng dài hạn rõ ràng khi lượng nhập khẩu năm 2024 cao hơn 26% so năm 2019, chủ yếu nhờ sự đóng góp từ Ecuador (tăng 78%) và Ấn Độ (tăng 47%).
Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi một phần trong nguồn cung sang EU, củng cố vị thế trong nhóm các nhà cung cấp hàng đầu. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ đòi hỏi Việt Nam phải tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường để duy trì lợi thế.
“Triển vọng năm 2025 cho ngành tôm khá lạc quan, miễn là các yếu tố bất ổn như chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Trump không gây thêm gián đoạn. Giá nhập khẩu trung bình tăng từ tháng 10/2024 và dự kiến duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 nhờ tồn kho ổn định, mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định.
Mục tiêu 4,3 tỷ USD
Năm 2025, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề ra mục tiêu diện tích tôm nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn (trong đó, TTCT trên 1 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 4,3 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư khẳng định, năm 2025, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo do xung đột ở nhiều nơi trên thế giới; giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao; sản lượng tôm toàn cầu tiếp tục tăng và đạt khoảng 6,1 triệu tấn (năm 2023 đạt 5,7 triệu tấn); cạnh tranh giữa các nước sản xuất tôm (Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc) vẫn gay gắt.
Bên cạnh những khó khăn, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư nhận định, năm 2025 đã có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, EU) khi doanh số xuất khẩu tôm Việt Nam đều tăng; đặc biệt là những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador, Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam ở thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam.
Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu có thể giảm trong quý I/2025 nhưng tiếp tục tăng đạt 6,1 triệu tấn trong năm 2025, nhu cầu của tăng ở thị trường Mỹ (14%) và EU (11%) trong khi sản xuất tôm Trung Quốc đang chững lại, Indonesia đang giảm trong năm 2023 – 2024 và có thể dần khôi phục trở lại là thách thức cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2025.
Để đạt mục tiêu trên, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề nghị các địa phương bố trí đủ nguồn lực, tài chính, nhân lực; ưu tiên hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông đầu mối cho vùng nuôi tôm trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành tôm địa phương. Thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.
Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này; theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản để đạt các mục tiêu kế hoạch năm nay.
Cùng với đó, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi, ưu tiên công nghệ tuần hoàn nước, ít thay nước, thu gom và tái sử dụng chất thải trong nuôi tôm, đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và có trách nhiệm xã hội.
Đông Phong
Bình luận gần đây