Xuất khẩu tôm sang Nhật bất ngờ tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 3/2022, 67 doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội lớn đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, các mặt hàng chính gồm: Tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ chân trắng PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm thẻ chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ chân trắng bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ chân trắng hấp đông lạnh…

Đây là tín hiệu rất đáng lạc quan, bởi từ 2 năm nay, xuất khẩu thủy sản nói riêng và xuất khẩu tôm sang Nhật Bản hầu như không có sự tăng trưởng, thậm chí năm sau thấp hơn năm trước. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản năm 2020 đạt hơn 613 triệu USD, giảm 0,9% so với năm trước liền kề; năm 2021 chỉ đạt 578 triệu USD, giảm 6% so với năm 2020.

Xuất khẩu tôm sang Nhât tăng mạnh trở lại sau 2 năm. Ảnh: Báo Hải quan

VASEP cũng cho biết, sau Mỹ, hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm khoảng 15% tỷ trọng). Đây là thị trường rất tiềm năng, bởi theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tháng 1/2022, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt gần 176 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số những quốc gia xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, Việt Nam nằm trong top 3 nguồn cung lớn nhất (Việt Nam, Indonesia và Thái Lan).

Hơn nữa, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bao gồm tôm của Nhật Bản còn rất lớn. Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. Trong năm 2021, Việt Nam nằm trong top 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản (Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Argentina), chiếm 24% thị phần, Indonesia và Ấn Độ cùng chiếm 16% thị phần, Argentina chiếm 7%.

An Nhiên

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *