Xuất khẩu tôm: Còn nhiều nỗi lo

Tăng trưởng đầu năm

Cùng với mức tăng trưởng chung của ngành thủy sản, xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận nhiều điểm sáng, với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so cùng kỳ và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Phân tích những những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu tôm tăng cao, theo VASEP, do lạm phát ở các nước EU và Mỹ, nguồn cung nhiều loại thực phẩm giảm, đã đẩy giá tôm tiêu thụ ở các khu vực nay tăng cao. Tại Việt Nam, giá tôm nguyên liệu cũng tăng cao đã đẩy giá xuất khẩu tăng lên. Mặt khác, chi phí cước tàu tăng đã góp phần “ảo” tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Trong nhóm các thị trường nhập khẩu có sự tăng trưởng cao thì bức tranh xuất khẩu tôm của Việt Nam tại Nhật Bản khá sáng sủa thể hiện rõ nét ở thị phần năm 2021 và 6 tháng năm 2022. Tiêu biểu là xuất khẩu tôm của các Minh Phú, Sao Ta… mẫu mã sản phẩm tôm cung ứng thị trường Nhật Bản hết sức đa dạng, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt…, toàn là hàng tinh chế. Mặt khác, chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU) sẽ không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Một điểm cũng đáng nêu ra là chiến tranh Đông Âu khiến tỷ lệ lạm phát tại khu vực EU tăng cao, và Mỹ cũng rơi vào hoàn cảnh này, trong khi mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn, cũng là một lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ. Theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, thị trường Nhật hết sức phù hợp trong bối cảnh tình hình tôm Việt Nam hiện nay.

Dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 vẫn có thể đạt được trên 4 tỷ USD. Ảnh: PTC

Một thị trường cũng ghi nhận sự ổn định về việc nhập khẩu sản phẩm tôm của Việt Nam trong 6 tháng qua đó là EU. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 6/2022 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng 37% đạt trên 74 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang thị trường này đạt 378 triệu USD, tăng 48% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong các tháng của quý II/2022 thấp hơn so với các tháng quý I. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD. Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ cuộc chiến Nga – Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể chững và dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm.

Nỗi lo cuối năm

Theo báo cáo của 4 tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nuôi của 4 tỉnh này đều tăng đáng kể so cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, sản lượng tôm 6 tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau ước đạt 118.245 tấn, tăng 10%; Bạc Liêu là 64.740 tấn, tăng trên 11%; Kiên Giang là 56.050 tấn, tăng 6% và Sóc Trăng là 51.554 tấn, tăng 13,46%. Còn theo báo cáo của VASEP thì kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm tăng đến 33% so cùng kỳ. Hay nói cách khác, nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp đã gần như không còn sau khi dồn lực tăng tốc ở 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, diện tích đang nuôi tôm hiện không nhiều nên hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định khả năng lớn sẽ thiếu tôm nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm.

Cao điểm của ngành tôm thường rơi vào 6 tháng cuối năm, kể cả thu hoạch và chế biến, xuất khẩu. Hay nói cách khác, cả sản lượng thu hoạch lẫn chế biến, xuất khẩu đều sẽ tăng mạnh trong giai đoạn này và có tính quyết định đến hiệu quả của cả mùa tôm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tình hình thu hoạch tôm vẫn diễn ra khá yên ắng, dù theo lịch thời vụ, tháng 7 – 8 là cao điểm thu hoạch của mỗi vụ tôm. Ngay cả những nông dân nuôi tôm quy mô lớn theo quy trình công nghệ cao cũng thừa nhận, năm nay sẽ không có vụ thu hoạch rộ như mọi năm. Không những vậy, tôm cỡ lớn (20 – 40 con/kg) cũng không có nhiều, thay vào đó là tôm cỡ trung và cỡ nhỏ.

Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981. Còn tại Châu Âu, theo cơ quan thống kê Eurostats, lạm phát ở khu vực đồng EUR trong tháng 5 ước đạt 8,1% tính theo năm và đây sẽ là mức cao tuyệt đối, kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu. Lạm phát cao trong khi đồng tiền mất giá càng khiến người dân các nước thắt chặt chi tiêu hơn. Còn về phần các doanh nghiệp xuất khẩu, giá trị các đồng EUR, USD, JPY giảm ăn mòn vào doanh thu của họ khi quy đổi ra tiền Việt. Trong phiên giao dịch ngày 11/7, lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây đồng USD và EUR chỉ cách nhau 1 cent. Hiện tại, quy đổi sang tiền Việt tỷ giá của USD/VND và EUR/VND lần lượt là 23.220 đồng và 22,844 đồng. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận định, nửa cuối năm 2022 là khoảng thời gian khó khăn với ngành tôm không chỉ diễn biến bệnh trên tôm phức tạp mà tình hình lạm phát ở các nước cao, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ.

Vân Anh

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *