Xuất khẩu thủy sản trên đà hồi phục tăng trưởng

Theo bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 5,9 tỷ USD. Trong đó các mặt hàng chủ lực như: xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, cá tra đạt 1,2 tỷ USD và hải sản khác đạt gần 2 tỷ USD. 

Phân tích cụ thể đối với các mặt hàng chủ lực, bà Lan cho hay: Về xuất khẩu tôm, “top” 5 thị trường tiêu thị tôm sú lớn là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan. Thị trường lớn nhập khẩu tôm thẻ lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Tuy xuất khẩu chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây nhất xuất khẩu tôm có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Hoa Kỳ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 cũng ghi nhận tháng thứ 2 tăng trưởng dương.

Xuất khẩu cá tra, trong tháng 8 đã ghi nhận Trung Quốc chiếm 32% thị phần với kim ngạch đạt 374 triệu USD

Về xuất khẩu cá tra, trong tháng 8 đã ghi nhận Trung Quốc chiếm 32% thị phần với kim ngạch đạt 374 triệu USD. Đối với thị  trường Hoa Kỳ chiếm 16%, thị trường EU chiếm 10%. Các thị trường khác như Brazil, Anh, Mexico chiếm từ 3,6 – 5%.  

Mới đây, Đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), đã đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ với kết quả tích cực. Đây sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ trong những tháng tới.

“Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vẫn chưa bằng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 đến nay, xu hướng thị trường đã có tín hiệu khởi sắc, đáng chú ý là các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU đã bắt đầu tăng nhập khẩu để phục vụ cho những ngày lễ cuối năm”, bà Lan nhận định. 

Xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL đã có tín hiệu hồi phục, đạt tăng trưởng dương ở một số thị trường giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vượt qua khó khăn.

An Giang là một trong những địa phương đi đầu ở ĐBSCL trong phát triển ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu với diện tích nuôi 9 tháng đầu năm năm 2023 đạt 1.780 ha, bằng so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng hằng năm đạt trên 400.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 20 doanh nghiệp với 23 nhà máy chế biến cá tra, công suất chế biến đạt 323.420 tấn/năm. Riêng năm 2022, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu mặt hàng cá tra đạt 162.000 tấn, thu ngoại tệ về cho tỉnh nhà đạt 380 triệu USD, tăng 1,59% về lượng và tăng 2,03% về kim ngạch. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, xuất khẩu cá tra là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm khoảng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu. Đồng Tháp hiện có 27 doanh nghiệp chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm, thu hút trên 20.000 lao động, các nhà máy này đều đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất an toàn trong nước và quốc tế (BRC, ISO, HACCP …).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay Đồng Tháp xuất khẩu cá tra qua 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đơn cử như đối với thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 25,4% thị trường EU chiếm tỷ trọng 11%. Hiện nay, giá thành sản xuất cá tra thịt trắng trung bình 26.850 -27.000 đồng/kg, giá bán bình quân 26.300 – 26.500 đồng/kg, người nuôi cá tra có thể lỗ trên 254 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (An Giang) cho biết, tuy cá tra tại ĐBSCL bán dưới giá thành đầu tư, nhưng  thời điểm này, Trung Quốc – Hồng Kông vẫn là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam. Và mới đây thương nhân Trung Quốc đặt mua 500 container cá tra của Công ty Cổ phần Nam Việt một lần nữa cho thấy, thị trường Trung Quốc sau 3 năm đóng cửa (thực hiện chính sách Zero Covid) giờ đã mở cửa trở lại và đặt hàng với số lượng “khủng”. 

Theo ông Tới, thời gian qua Trung Quốc nhập cá tra với số lượng lớn đã làm nông dân vô cùng phấn khởi. Từ động thái mua hàng của thương nhân Trung Quốc cho thấy, muốn làm ăn ở thị trường này, trước hết doanh nghiệp phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, có bề dầy kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, dự báo thị trường, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh, số lượng lớn thì mới có thể thành công. Đối với nông dân, để tránh được rũi ro (như trong những năm qua), nông dân cần tổ chức lại liên kết với doanh nghiệp thông qua mô hình nuôi gia công hay nuôi liên kết với doanh nghiệp, có vậy thì tỷ lệ rủi ro người nuôi cá tra sẽ thấp đi, nông dân không còn phải chạy lo đầu ra. 

Ngọc Trinh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *