Xuất khẩu thủy sản tăng 44% trong 5 tháng đầu năm

Tại Hội nghị toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra sáng nay (22/6), ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP, cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu thuỷ sản sang 160 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang tất cả các thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số, tăng từ 16 – 90% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu sang thị trường Nga giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021 do xung đột quân sự khiến cho giao thương với thị trường này gần như đình trệ trong tháng 3 và tháng 4. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định tầm quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Ảnh: HL

Ba thị trường có trọng số lớn, chi phối tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản trong giai đoạn này gồm có: Mỹ chiếm 23%, EU chiếm 12%, Trung Quốc chiếm 16%. Cả 3 thị trường đều tăng trội nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam: Mỹ tăng 65%, Trung Quốc tăng 91% và EU tăng 45%.

Đối với các ngành hàng, từ tháng 1 – 5/2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 85 thị trường, mang về doanh số trên 1,8 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra được xuất sang 120 thị trường, thu về trên 1,2 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cá ngừ đạt trên 462 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, và có 90 thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam trong giai đoạn này. Xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu đạt 276 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu mực chiếm 56% đạt 154 triệu USD, tăng 38%; xuất bạch tuộc chiếm 44% đạt 122 triệu USD, tăng 16%.

VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý III/2022 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: ST

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu là một thách thức lớn của Việt Nam, khi hàng năm nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 60 – 70% nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, phần còn lại là nhập khẩu, chủ yếu đối với các loại hải sản đánh bắt.

Còn ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Chúng ta cần các giải pháp chủ động tăng nguồn nguyên liệu tôm một cách bền vững trên thực trạng hiện nay. Yếu tố quan tâm đầu tiên là sự đổi mới của mảng nuôi nhỏ lẻ với chuỗi hợp tác mới và quy trình nuôi mới. Tiếp đến là chính sách nới rộng hạn điền trong nuôi tôm, tôm từ các trang trại sẽ là nguồn cung lớn thứ hai cho các doanh nghiệp tôm và là lực thúc đẩy mạnh mẻ nhất nâng tầm tôm Việt. Ngoài ra, tôm – rừng, tôm – lúa cũng là nguồn cung đáng kể, có thể đạt tới hàng trăm nghìn tấn hàng năm. Tôm từ nguồn này có thể xây dựng thương hiệu riêng mang lại lợi ích cho người nuôi lẫn doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chụp ảnh cùng toàn thể hội viên VASEP trong buổi Hội nghị diễn ra sáng nay (22/6) tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HL

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, khẳng định: “Các doanh nghiệp các ngành hàng nói chung, không chỉ riêng thủy sản, nên nhạy bén với thị trường, chủ động các biện pháp linh hoạt và cùng phối hợp với các cơ quan quản lý để tạo dựng một chuỗi liên kết, cùng nhau kiến tạo, khởi tạo và tháo gỡ vấn đề. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên hướng tới nền kinh tế trải nghiệm, tập trung vào yếu tố trải nghiệm và con người, đưa con tôm, con cá đến gần hơn đến với người tiêu dùng”. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. “Thông thường, mục tiêu của doanh nghiệp là theo đuổi lợi nhuận. Đồng ý rằng, lợi nhuận là không thể thiếu trong việc tổ chức, điều hành doanh nghiệp vững mạnh. Nhưng nếu nói đó là mục tiêu nhất thiết phải đạt được thì không phải. Điều căn bản ở đây chính là thông qua công việc, doanh nghiệp tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mệnh căn bản đó, doanh nghiệp mới nhận về lợi ích”, vị Bộ trưởng chia sẻ.

Linh Nguyễn

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *