Xuất khẩu thủy sản sang Singapore: Nhiều cơ hội và thách thức
Xuất khẩu nâng hạng
Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá fillet đông lạnh với 26,85% thị phần và cá chế biến chiếm 16,88%. Kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 24 triệu SGD (tương đương 17,65 triệu USD) tăng 3,22%, chiếm thị phần 8,58%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Singapore trong năm 2023 tăng mạnh ở nhóm cá tươi – HS0301 (tăng 29,27%), trong khi đó 3 nhóm hàng có sự sụt giảm mạnh là nhóm thủy sản thủy sinh – HS0308 (giảm 78,95%); nhóm cá đông lạnh – HS0303 (giảm 26,37%), nhóm thủy sản thân mềm – HS0307 (giảm 16,03%).
Ảnh minh họa
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2024, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 340 triệu SGD, giảm 5,67% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm sản phẩm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Singapore gồm tôm, cua, thủy sản giáp xác (HS0306), chiếm gần 25% tổng lượng tiêu thụ của thị trường; tiếp đến là cá tươi, ướp lạnh (HS0302), chiếm 19,86%; fillet cá, thịt cá ướp lạnh hoặc đông lạnh (HS0304), chiếm 18,15%; cá đông lạnh (HS0303) chiếm 15,45%; thủy sản thân mềm (HS0307), chiếm 11,02%… Các nhóm mặt hàng như: cá tươi, cá chế biến và thủy sản thủy sinh chiếm tỷ trọng tương đối thấp, lần lượt là 4,05%; 4,11% và 2,43%.
Thị phần thủy sản của thị trường Singapore vẫn được chia đều cho các đối tác do mỗi nước đều có những thế mạnh xuất khẩu riêng; trong đó, 6 quốc gia có thị phần lớn nhất chiếm từ 9 – 13%. Cụ thể, Malaysia chiếm 13,60% với các mặt hàng cá tươi sống và tôm, cua, thủy sản giáp; Na Uy chiếm 11,45% với sản phẩm cá tươi ướp lạnh và cá đông lạnh, Indonesia chiếm 11,13% thị phần xuất khẩu, Trung Quốc chiếm 10,15% với lợi thế đối với các sản phẩm thủy sản thân mềm, Việt Nam chiếm 8,58% thị phần xuất khẩu và Nhật Bản chiếm 8,34% thị phần xuất khẩu với các loại thủy sản thủy sinh.
Tuân thủ quy định
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong chính sách đa dạng nguồn cung, Singapore liên tục tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều này đảm bảo an ninh nguồn cung thực phẩm cho Singapore, đồng thời khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn. Mặt khác, tình trạng lạm phát gia tăng cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore.
Các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Singapore có được vị trí và vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao thị phần tại thị trường này, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản và theo sát các quy định về sản phẩm tại nước sở tại.
Gần đây, Cơ quan quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Các sản phẩm này có chứa trứng được coi là một trong những thành phần gây dị ứng cho người sử dụng nhưng không được ghi chú trên nhãn mác của sản phẩm. SFA cho biết đã phát hiện có trứng trong thành phần của sản phẩm nem cuốn hải sản Li Chuan (750g), dimsum tôm Bibigo’s Mandu (350g) và Mini Mandu. Các sản phẩm này hiện đang được bày bán trên thị trường Singapore nhưng nhãn mác không ghi rõ có trứng trong thành phần của sản phẩm.
Theo Quy định về thực phẩm của Singapore, các sản phẩm thực phẩm có chứa bất kỳ thành phần nào có thể gây mẫn cảm cho người tiêu dùng đều phải được ghi rõ trên bao bì thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng.
Việc sản phẩm bị thu hồi do không cung cấp đủ thông tin về sản phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng Singapore, nhất là đối với các sản phẩm được nhập khẩu từ công ty bị thu hồi sản phẩm và nhà cung cấp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về việc dán nhãn các sản phẩm thực phẩm đã được đóng gói. Nhà nhập khẩu và nhà sản xuất các sản phẩm thực phẩm được đóng gói sẵn bán tại Singapore phải cung cấp nhãn mác có đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh.
Cụ thể gồm tên hoặc mô tả về sản phẩm thực phẩm; thành phần của sản phẩm: tất cả các thành phần và chất phụ gia trong thực phẩm đóng gói sẵn phải được khai báo; trong đó, thành phần có trọng lượng lớn nhất sẽ được liệt kê đầu tiên và thành phần có trọng lượng nhỏ nhất sẽ được liệt kê cuối cùng.
Hương Thảo
(Tổng hợp)
Bình luận gần đây