Xuất khẩu thủy sản chưa hết khó

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 6 ước đạt 536 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng trường này chủ yếu vẫn nhờ vào con tôm.

 

“Kép chính” TTCT

Năm 2013, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc (chủ yếu TTCT) đạt 381,1 triệu USD, tăng 49,1% so năm 2012. Bốn tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng 60,3% so cùng kỳ năm 2013, dấy lên sự lo ngại về sự phụ thuộc vào thị trường này.

Thị trường EU, trong các mặt hàng thủy sản, tôm có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ ba cho EU sau Ấn Độ và Ecuador. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản mang lại trên 700 triệu USD mỗi năm và sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 nếu giải quyết được vấn đề dư lượng kháng sinh Oxytetracycline.

Từ mức 22,5% của năm 2013, thị trường Mỹ đã vươn lên chiếm hơn 30% thị phần xuất khẩu tôm của Việt Nam trong nửa đầu năm 2014. Tăng trưởng chủ yếu nhờ mặt hàng TTCT. Thống kê từ hải quan, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu TTCT chiếm tới 75% tổng lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ và tăng 212% so cùng kỳ năm 2013.

 

Cá tra vẫn đi xuống

Trong 5 tháng đầu năm 2014, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi hơn 2.954 ha cá tra (giảm 19% so cùng kỳ); trong đó 1.487 ha đã thu hoạch với sản lượng 335.023 tấn, giảm gần 20% về sản lượng so cùng kỳ. Xuất khẩu thu được 682 triệu USD, giảm 3,8%; trong đó, 2 thị trường lớn là EU và Mỹ lần lượt giảm 10% và 8,7%. Tính đến tháng 5/2014, xuất khẩu cá tra/basa Việt Nam sang Mỹ giảm 26% so cùng kỳ năm trước, xuống còn 126,6 triệu USD. Cùng đó, nhập khẩu cá tra/basa Việt Nam của EU có giá trị 141 triệu USD, giảm 11%.

6 tháng, xuất khẩu cá tra đạt 824, 438 triệu USD – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Giá cá tra nguyên liệu đang sụt giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 20.500 – 21.000 đồng/kg, người nuôi bị lỗ. Sức cạnh tranh của cá tra đang suy giảm khi một số thị trường tăng thuế, dựng lên các rào cản thương mại và mở cửa nhập khẩu cá tuyết, cá rô phi… Dự kiến năm 2014, xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so năm 2013.

 

Cần tạo chiều sâu trong xuất khẩu

Xuất khẩu tôm chiếm trên 49% giá trị xuất khẩu thủy sản và ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Trong đó, TTCT tăng trưởng nhanh, xuất khẩu TTCT 5 tháng đầu năm tăng 149% so cùng kỳ, đạt kim ngạch 829 triệu USD trong khi tôm sú đạt 483 triệu USD, chỉ tăng 5%.

Việc tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm TTCT đã được dự báo, nhất là trong bối cảnh sản lượng các nước trong khu vực giảm nhiều do dịch bệnh. Đóng góp của mặt hàng này rất đáng được ghi nhận và nó cũng mở ra thêm một hướng xuất khẩu tôm. Tuy vậy, nhiều nhà hoạch định và các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đã cảnh báo hệ lụy việc lệ thuộc vào TTCT. Sự phát triển TTCT ồ ạt có thể ảnh hưởng nhiều đến nuôi trồng và xuất khẩu tôm sú bản địa, vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Việc giảm sút xuất khẩu cá tra cũng đáng để suy ngẫm. Diện tích nuôi cá tra công nghiệp tại vùng ĐBSCL đến giữa tháng 6 ước đạt 3.500 ha, giảm 6,1% so cùng kỳ năm trước.

>> Theo Bộ NN&PTNT, ngoài việc đẩy mạnh mở rộng thị trường mới, cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu. Đồng thời, cố gắng cao nhất hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *