Xuất khẩu thủy sản 2014: Không lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Thị trường Trung Quốc ngày càng chi phối
Năm 2013, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, EU, Nhật Bản); tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trên 650 triệu USD, tăng 55% so năm 2012 (trong đó tôm gần 350 triệu USD, tăng 53%).Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu tôm thẻ chân trắng (TTCT), điều này ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu xuất khẩu. Năm 2013, giá trị xuất khẩu TTCT gần 1,58 tỷ USD, tăng 113% so cùng kỳ năm trước và chiếm 50,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm; trong khi tôm sú trên 1,33 tỷ USD, chiếm 42,7%, chỉ tăng gần 6,3%.
Có quan điểm cho rằng Trung Quốc đang muốn thâu tóm thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam, mặt hàng tôm chiếm gần 70% tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nước này, chưa kể xuất qua đường tiểu ngạch. TTCT chiếm 50,7% giá trị xuất khẩu và những con số kim ngạch xuất khẩu tôm lạc quan cũng không thể giúp chúng ta quên sự mất cân đối các mặt hàng xuất khẩu. Năm 2013 xuất khẩu cá ngừ giảm 7,2%; mực, bạch tuộc giảm 10,8%; chả cá và surimi giảm 14%; cua ghẹ, giáp xác khác giảm 4,3%; nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm 5% so năm trước. Đồng thời, cá tra, một mặt hàng chủ lực, ước tính tổng xuất khẩu cả năm 2013 đạt trên 1,73 tỷ USD, tương đương năm 2012. Tỷ trọng xuất khẩu cá tra giảm từ 28,6% xuống 25,5% (trong đó đã có yếu tố giá tăng).
Năm 2013, giá trị TTCT Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,58 tỷ USD – Ảnh: Duy Khương
Giữ các thị trường truyền thống
Phát triển xuất khẩu sang Trung Quốc giúp đa dạng hóa thị trường cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi Việt Nam không bỏ ngỏ các thị trường khác để cho chính Trung Quốc chiếm lĩnh, bởi Trung Quốc đang là đối thủ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương về lĩnh vực này.
Năm 2013, thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang miền Nam Trung Quốc, nơi không có biển và thực có nhu cầu sản phẩm thủy sản. Song cũng phải thấy, đây không phải sự mở cửa thị trường, mà trước hết là do tôm Trung Quốc bị bệnh nghiêm trọng, nguồn tôm nguyên liệu thiếu hụt. Ngoài ra, tâm lý người tiêu dùng nước này bị lung lay khi tình trạng ô nhiễm và nuôi trồng không bài bản, không tuân theo các quy trình tại Trung Quốc khiến họ đặt niềm tin vào sản phẩm đến từ Việt Nam. Chính vì vậy, khi khôi phục được vùng nguyên liệu và khắc phục được điểm yếu về chất lượng thì rất có thể Trung Quốc sẽ không còn mặn mà với TTCT Việt Nam.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam không tỉnh táo có thể sẽ đánh mất nhiều thị trường bền vững, do rơi vào cái bẫy lợi nhuận trước mắt. Top 10 thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản Việt Nam đang có biến động mạnh. Nhật giảm 0,4%, EU giảm 0,3%, Hàn Quốc giảm 0,6%, chỉ có Mỹ tăng 3,5% và Trung Quốc tăng 2,1%. Nhưng thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều đối với cá tra Việt Nam. Với hơn 1,7 tỷ USD thu được từ xuất khẩu cá tra, trong đó, Mỹ là thị trường trọng điểm, xuất khẩu năm 2014 vào Mỹ sẽ mang tính quyết định, tùy theo diễn biến thực hiện Đạo luật Nông trại ở nước này.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu cá da trơn. Năm 2013, Trung Quốc xuất sang Mỹ, Hồng Kông, Ukraine, Thái Lan, Anh, Macao, Hà Lan, Ba Lan, Na Uy; trong đó Mỹ chiếm trên 72% giá trị. Thị trường xuất khẩu 2014 nhìn chung còn phụ thuộc diễn biến của các nước xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Ấn Độ…) và ASEAN.
Không vỡ trận
Tăng trưởng kinh tế khá, dân số đông, nhu cầu nhập khẩu lớn…, nhưng Trung Quốc vẫn trong số nước có mặt bằng giá thấp, đời sống đa số dân chưa cao. Lợi nhuận thu từ thị trường này nhìn chung không lớn, trừ khi họ mất mùa, trái vụ. Tôm xuất khẩu phụ thuộc thị trường này sẽ nhiều rủi ro.
Trung Quốc cũng đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, với ưu thế vượt trội về vốn và khoa học kỹ thuật. Hiện, 100% sản lượng thức ăn nuôi tôm công nghiệp và 75% sản lượng thức ăn nuôi cá tại Việt Nam do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài kiểm soát. Khi đã khôi phục được vùng nuôi và phát triển về kỹ thuật, rất có thể cán cân xuất nhập khẩu sẽ thay đổi đáng kể và sản phẩm Trung Quốc có nhiều ưu thế.
Năm 2014, sản lượng cá tra nguyên liệu ước đạt 850.000 – 900.000 tấn; dự kiến kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 5% so năm 2013. Nhu cầu tiêu thụ nhiều năm qua không thay đổi đáng kể, trong khi các hàng rào kỹ thuật và cạnh tranh ngày càng lớn, nên khó hi vọng tăng trưởng xuất khẩu cá tra.Xuất khẩu tôm vẫn là chủ lực trong năm 2014; dự báo sản lượng tôm tăng 20% so năm 2013. Trước mắt, có thể tôm vẫn được giá, nhưng có lẽ khó tránh khỏi phụ thuộc thị trường Trung Quốc, khi xuất khẩu vào các thị trường khác đang có dấu hiệu đuối hơi.
Các ngành nghề nuôi trồng xuất khẩu truyền thống và thế mạnh của Việt Nam (cá tra và tôm sú) đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó nuôi tôm (nhất là tôm công nghiệp) chi phí giống, thức ăn… không nhỏ, lợi nhuận chỉ vừa phải. Vốn đầu tư lớn trong khi dịch bệnh vẫn đe dọa, sẽ là thách thức cho TTCT, chưa kể sự bùng nổ nuôi loại tôm này ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác.
Hãy nhìn lại mình
Doanh nghiệp Việt Nam thường đổ lỗi thị trường “khắt khe”, “phân biệt đối xử”, “bảo hộ”…, nhưng ít tự trách mình.
Tháng 1/2014, Nga đã có lệnh tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản từ Việt Nam, trong đó có cá tra, do chất lượng. Vấn đề dư lượng Ethoxyquin trong tôm nhập vào Nhật cũng là rào cản rất lớn và nan giải. Với Đạo luật Nông trại 2014 được thông qua, Mỹ bắt đầu đặt vấn đề chất lượng nuôi trồng tại Việt Nam. Hầu hết sự trừng phạt đều dành cho các sản phẩm không đảm bảo chất lượng; khi đưa ra quyết định phạt, các nước đều có bằng chứng xác đáng.
Để lấy lại danh dự và thương hiệu cho thủy sản Việt Nam, không gì hơn đầu tư nghiêm túc vào nuôi trồng, chế biến, tổ chức lại việc xuất khẩu. Phải hạn chế tối đa những vụ phạt liên quan hàng hóa chất lượng thấp và không rõ nguồn gốc, bởi cứ tranh mua tranh bán, chạy theo lợi nhuận thì không phải các thị trường khép cửa với các nhà xuất khẩu Việt Nam, mà chính họ không thể bước qua bậc cửa các thị trường thế giới và nhường cơ hội cho đối thủ làm ăn nghiêm túc.
>> Theo nhiều nhà nghiên cứu, xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 có khá lên hay không, trước hết phụ thuộc sự điều hành của các hiệp hội, sự can thiệp mạnh tay của các cơ quan liên ngành, nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu và giành lại những thị trường đang có nguy cơ mất. |
Bình luận gần đây