Xuất khẩu tăng trưởng trở lại

Phục hồi tích cực

Trong các mặt hàng xuất khẩu của ngành tôm, thì kim ngạch xuất khẩu TTCT trị giá gần 935 triệu USD, tăng 21%; tôm sú đạt 155 triệu USD, tăng nhẹ 1% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm đạt hơn 106 triệu USD, tăng đột phá gấp gần 70 lần so cùng kỳ. Các mặt hàng khác như tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn cũng có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua.

5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm hùm tăng đột phá gấp gần 70 lần so cùng kỳ năm trước

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến đều có xu hướng giảm. Cụ thể, TTCT chế biến mã HS16 giảm 31%, tôm sú chế biến giảm 72%, tôm khô giảm 41% và tôm khác chế biến giảm 99%. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm sống/tươi/ướp lạnh/đông lạnh ghi nhận tăng như TTCT tăng 12%, tôm sú tăng đột phá gấp 158 lần…

Về thị trường, Trung Quốc đã soán ngôi vị của Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20% tỷ trọng. Kết quả này chủ yếu nhờ Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm hùm xanh (gấp 112 lần) và TTCT (tăng 30%).

Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm sang một vài thị trường khác như Mỹ tăng nhẹ 4%, Nhật Bản giảm nhẹ 3%, EU tăng nhẹ 1%, Canada tăng 51%, Anh tăng 15%, Nga tăng mạnh 332%…

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đối với thị trường Nhật Bản, ước tính sản lượng sẽ tăng trưởng 10% so cùng kỳ, cùng đó giá bán sẽ tăng nhẹ khi sức mua tốt hơn trong bối cảnh tiền lương tại Nhật Bản tăng. Tại thị trường Trung Quốc và Mỹ, VDSC kỳ vọng sản lượng tăng trưởng nhờ nền kinh tế phục hồi trong khi giá bán tương đương cùng kỳ do áp lực cạnh tranh về tôm nguyên liệu còn cao. Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam luôn phải cạnh tranh mạnh mẽ với Ecuador vì Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Ecuador (chiếm 57% sản lượng trong năm 2023). VDSC kỳ vọng trong năm 2024, xuất khẩu tôm tại thị trường này cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.

Tín hiệu vui từ doanh nghiệp

Từ những tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu tôm những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp tôm cũng được hưởng lợi, ghi nhận kết quả kinh doanh tươi sáng. Điển hình như doanh nghiệp tôm hàng đầu là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, doanh thu thuần quý I/2024 đạt 2.751 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 tỷ đồng, con số này cải thiện rất nhiều so với khoản lỗ 98 tỷ đồng hồi quý I/2023.

Năm 2024, Minh Phú đề ra mục tiêu sản lượng sản xuất 70.000 tấn tôm. Doanh thu đạt 18.569 tỷ đồng, tăng 72% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế 1.266 tỷ đồng, trong khi thực hiện năm trước âm 105 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Tập đoàn, ngoài định hướng phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số, Minh Phú đang thực hiện số hóa chuỗi giá trị tôm, nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị và cho phép truy xuất nguồn gốc từ trại giống, tới trang trại nuôi, qua nhà máy chế biến và hệ thống phân phối, đến người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 có giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng giá Ecuador với các giải pháp: Đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBiO, phấn đấu đến năm 2035 sản xuất được 15 tỷ post; đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ sinh học MPBiO, phấn đấu đến năm 2035 có thể tự cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của mình.

Một thương hiệu lớn khác đó là Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, trong tháng 5/2024, sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 2.389 tấn giảm 13% so cùng kỳ. Tiêu thụ tôm thành phẩm 1.419 tấn, tăng 53% so cùng kỳ. Về nông sản, sản xuất đạt 202 tấn, tiêu thụ đạt 123 tấn, tăng lần lượt 65%, 7% so với cùng kỳ. Do đó, doanh số tiêu thụ trong tháng của Sao Ta đạt 15,55 triệu USD (khoảng 357 tỷ đồng), tăng 43% so cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, doanh số tiêu thụ của Công ty ước đạt 81,54 triệu USD (khoảng 1.875 tỷ đồng). Năm 2024, Sao Ta đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ 210 triệu USD. Với kết quả 5 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện 39% mục tiêu đặt ra. Đại diện Sao Ta cho biết, Công ty đã thả giống xong khu mới và phần còn lại hoàn tất trong nửa tháng tới. Tôm đang phát triển tốt.

Cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt, trong 3 tháng đầu năm, Công ty CP Camimex, đã đạt lợi nhuận sau thuế tăng 35,9% lên mức 31,3 tỷ đồng. Theo đó, kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng đến từ doanh thu thuần đạt 789,4 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần so cùng kỳ. Từ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh được cải thiện đáng kể, từ 27,3 tỷ đồng trong quý I/2023 lên mức 36,8 tỷ đồng trong quý I/2024.

Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tôm đứng thứ hai thế giới, chiếm 13 – 14% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này theo các chuyên gia, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 là khó thực hiện được.

Vân Anh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *