Xuất khẩu nông sản sang Anh: Khai thác tiềm lực từ thị trường chục tỷ USD

Tiềm lực lớn

Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là tiềm năng các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác.

Trong số các lĩnh vực ưu tiên, thương mại nông nghiệp là nền tảng của nhiều mối quan hệ thương mại của Anh với các nước, đặc biệt là Việt Nam. Vào đầu năm 2023, Chính phủ Anh đã thành lập bộ phận nông nghiệp chuyên biệt tại Đại sứ quán Anh tại Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác quan hệ thương mại giữa hai nước.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực tháng 5/2021 là chất xúc tác cho trao đổi thương mại giữa hai quốc gia. UKVFTA mang tới nhiều cơ hội to lớn cho ngành nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Hầu hết các dòng sản phẩm thực phẩm và đồ uống hiện đang được hưởng lợi từ việc giảm dần và cuối cùng, loại bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm 2031 (tuân theo các hạn ngạch thuế quan liên quan).

Tính đến ngày 15/4/2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh đạt 79 triệu USD, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2023; ảnh: Phan Thanh

Cao ủy Thương mại Anh tại châu Á – Thái Bình Dương Martin Kent cho biết, trong những năm qua, thương mại song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể và với thương mại song phương đạt mức cao nhất mọi thời đại, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác thương mại Đông Nam Á quan trọng nhất của Vương quốc Anh. Thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong mười năm qua từ 3 tỷ bảng Anh vào năm 2013 lên khoảng 6 tỷ bảng Anh vào năm 2023. Điều này một phần có được nhờ UKVFTA, hiệp định đã đặt nền móng cho sự hợp tác kinh tế ngày càng sôi động.

Bên cạnh đó, việc Anh tham gia đầy đủ vào Hiệp định CPTPP, dự kiến vào năm nay, cũng sẽ mở đường cho những cơ hội thương mại rõ ràng hơn trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm. Trước đây, tại Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Anh hậu Brexit bị áp thuế Tối huệ quốc (MFN), có khi lên tới 60%. Nhờ CPTPP, thuế suất đối với hàng nhập khẩu của Anh đã giảm. Thuế suất đối với thịt lợn giảm từ 22 – 25% xuống còn 8,1%, trong khi thuế đối với thủy hải sản phần lớn không còn.

Năm 2022, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) ký Thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp. Với các thỏa thuận này, hai nước sẽ đơn giản hóa các khung pháp lý, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và giảm bớt rào cản gia nhập thị trường đối với nông sản, thực phẩm và đồ uống. 

Năm 2023, giá trị xuất khẩu cá và hải sản có vỏ của Việt Nam sang Anh đạt gần 300 triệu USD, đưa thủy sản trở thành nhóm sản phẩm đứng thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Anh. Anh hiện là một trong 10 nước nhập khẩu cá da trơn hàng đầu từ Việt Nam, và nhờ UKVFTA, thủy sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Ấn Độ. 

Tận dụng thời cơ

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa công bố Báo cáo Thương mại nông nghiệp Anh – Việt Nam với tiêu đề “Kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam trong nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống”. Báo cáo nhấn mạnh động lực thúc đẩy mối quan hệ thương mại nông nghiệp Vương quốc Anh – Việt Nam và xác định các cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho ngành nông nghiệp của hai quốc gia. Theo đó, với sự mở rộng nhanh chóng của các nhà hàng Việt Nam tại Anh, người tiêu dùng Anh cũng có thể thưởng thức nhiều loại nông sản Việt Nam đang được bày bán phong phú ở các siêu thị.

Bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Anh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, theo đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại Anh. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan, quy định mới của Anh về kiểm soát biên giới đối với thực vật và sản phẩm thực vật BTOM. Theo đó, tất cả thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu vào Anh phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật, các yêu cầu đối với giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khác nhau tùy thuộc vào loại thực vật hoặc sản phẩm thực vật, trong khi hệ thống kiểm soát biên giới sẽ bao gồm các cơ chế SPS (Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật), nhằm kiểm soát nhập khẩu không chỉ trong trồng trọt mà còn đối với một số loại thực phẩm.

Hải Lý

Số liệu trong Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 của Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu với Vương quốc Anh, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường bạn giữ được mức tăng trưởng dương, đây có thể coi là kết quả rất khả quan. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh năm 2023 đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022. 

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *