Xuất khẩu khởi sắc tại nhiều thị trường

Điểm sáng Nhật Bản

Dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Nhật Bản vẫn giữ ổn định nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam và giá trị đã tăng liên tục trong các tháng đầu năm (tháng 4 tăng 16%, tháng 5 tăng 9%). Đại diện VASEP cho biết, dự kiến với đà tăng trưởng này, Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản Việt Nam năm nay, bù đắp phần đáng kể cho sự sụt giảm tại các thị trường châu Âu, Mỹ.

Mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo cam kết của các nước thành viên CPTPP, ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, Nhật Bản xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam. Đây là cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước, tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác trao đổi kinh nghiệm chuyên gia, hợp tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Được biết, ngày 30/6 tới, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ SME Tokyo đồng tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam – Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng và sản phẩm y tế sẽ có cơ hội giao thương trực tuyến, kết nối với các nhà nhập khẩu Nhật Bản.

Trông chờ từ thị trường EU

Ngày 8/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, dự kiến có hiệu lực trong tháng 8/2020; trong bối cảnh COVID-19, nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam đang trông chờ EVFTA đi vào thực thi để có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường.

Ảnh minh họa (ST)

Đối với ngành thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và chả cá), EU cam kết ngay lập tức xóa bỏ khoảng 50% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi thỏa thuận có hiệu lực; 50% số dòng thuế còn lại được xóa trong vòng 3 – 7 năm. Theo tính toán, khoảng 90% số dòng thuế đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ giảm xuống 0% trong vòng 3 – 4 năm từ mức thuế xuất khẩu trung bình hiện nay là 14%.

EU là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ổn định ở mức trên 1,3 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua (2015 – 2019), chiếm 15 – 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các doanh nghiệp thủy sản Việt kỳ vọng EVFTA sẽ là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp quay lại chiếm thị phần nhiều hơn tại EU; EVFTA có tác động rất tích cực, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản định hình lại thị trường và nỗ lực tận dụng được các ưu đãi thuế quan của Hiệp định.

Đẩy mạnh xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc

Theo VASEP, từ tháng 3/2020 nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc phục hồi, do đó xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã có sự tăng trưởng liên tục. Cụ thể đã tăng 35% trong tháng 4 và 20% trong tháng 5. Dự kiến đến cuối tháng 6, kết quả xuất khẩu sang thị trường này sẽ tương đương hoặc tăng nhẹ so cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, Trung Quốc đã trở thành trị trường nhập khẩu lớn mặt hàng cua, ghẹ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng qua xuất khẩu cua, ghẹ của cả nước đạt 44,5 triệu USD, tăng 39,8% so cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc từ vị trí thứ 4 về nhập khẩu cua, ghẹ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 đã vươn lên dẫn đầu bất chấp dịch COVID-19. Cụ thể, cua, ghẹ từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 13 triệu USD, tăng gần 394% so cùng kỳ năm trước.

>> Theo VASEP, diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp tại Mỹ và nhiều nước khác nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại thủy sản toàn cầu; do vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam rất khó bật mạnh trong thời gian tới.


Vân Anh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *