Xuất khẩu cá tra sẽ tăng đột biến
Ách tắc và giảm giá
Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (Công ty Miền Nam) ở TP Cần Thơ chuyên nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra. Sản phẩm xuất khẩu khá đa dạng: Đông lạnh fillet, cắt khúc, nguyên con, nguyên con xẻ bướm; thị trường xuất khẩu của Công ty từ nhiều nước ở châu Mỹ đến châu Âu, châu Á và cả Trung Quốc. Ở thị trường Trung Quốc, Công ty Miền Nam xuất khẩu chủ yếu là cá tra nguyên con và cá tra xẻ bướm.
Giám đốc Trần Văn Quang cho biết, từ khi bùng phát dịch COVID-19 thì thị trường Trung Quốc ách tắc và Công ty không còn xuất khẩu cá tra nguyên con, cá tra xẻ bướm sang thị trường này nữa. Nhờ đã đa dạng thị trường nên sự sụt giảm thị trường Trung Quốc không là vấn đề lớn với Công ty. Tuy nhiên, ảnh hưởng thị trường lại có tính chất dây chuyền, khi ách tắc thị trường Trung Quốc thì nhiều doanh nghiệp chuyển hướng mở thị trường khác, đẩy tới tình trạng cạnh tranh bằng giảm giá; cùng đó, phía khách hàng ở nước ngoài thấy vậy cũng tìm mọi cách hạ giá và còn xuất hiện tâm lý chần chừ để chờ giá hạ hơn nữa; tất cả làm cho xuất khẩu cá tra gặp khó khăn. Từ khi thị trường Trung Quốc mở lại cửa khẩu chính ngạch vì đối phó với dịch COVID-19 có hiệu quả, hoạt động xuất khẩu cá tra cũng dần ổn định.
Ảnh minh họa
“Hiện nay, hoạt động xuất khẩu cá tra của chúng tôi đã phục hồi sản lượng nhưng giá vẫn bị giảm khoảng 10% so với cuối năm 2019. Hy vọng, rồi đây thị trường trở lại bình thường và tồn kho ở các thị trường vơi cạn thì nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cá tra lại tăng mạnh”, ông Quang bày tỏ.
Tăng xu hướng tích trữ
Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Biển Đông (Công ty Biển Đông) Ngô Quang Trường nhận định, trên thị trường tồn kho cũ bị cạn và đang có xu hướng tăng tích trữ do dịch COVID-19. Công ty Biển Đông ở TP Cần Thơ, mấy năm nay là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhờ kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo độ tươi của nguyên liệu, bên cạnh cá tra còn xuất khẩu tôm. Về cá tra, Biển Đông đang được thị trường Mỹ áp thuế sơ bộ 0%, còn tôm chế biến xuất đi nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật, Australia.
Ông Trường cho biết, thị trường thủy sản ở Mỹ đã gặp khó từ 3 tháng trước, khi Mỹ đánh thuế cao với hàng của Trung Quốc và nhiều nhà xuất khẩu chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Mỹ khiến cho lượng cung thừa so với cầu. Dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc, nguồn cung ở thị trường Mỹ càng thừa, các đơn hàng của Công ty Biển Đông giảm đến 20% so với cuối năm 2019. Nay thị trường Mỹ đã trở lại bình thường, Công ty đạt 100% sản lượng như trước kia, một tháng có đơn hàng cho 200 container loại 20 tấn xuất khẩu.
“Tháng trước hàng tồn kho chúng tôi khá nhiều nhưng nay đã vơi, 7.000 công nhân ở các nhà máy của Biển Đông đang làm việc tích cực. Dự đoán của chúng tôi, thời gian tới, nhu cầu thủy sản trên thị trường sẽ tăng cao. Bởi vì, cùng với việc thị trường Trung Quốc mở cửa chính ngạch hoạt động bình thường trở lại thì thế giới cũng tăng nhu cầu tiêu dùng, vừa bù sự thiếu hụt từ Trung Quốc vừa do tâm lý dự phòng lo sợ dịch COVID-19 lan tràn. Một số khách hàng của chúng tôi chia sẻ là nhu cầu một ngày ăn 1 kg thì sẽ mua 30 kg để dự trữ phòng xa”, ông Trường phân tích.
Cần chuẩn bị tốt nguồn hàng
Phân tích tương tự ông Trường là Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (Công ty Vĩnh Hoàn) Nguyễn Ngô Vi Tâm và đưa ra nhận định “đơn hàng cá tra có thể tăng đột biến”. Công ty CP Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp, nổi tiếng với sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng được xuất khẩu sang hơn 30 nước. Trong đó, thị trường chính là châu Âu và Mỹ, có mặt cả ở Australia, Hồng Kông, Trung Quốc và ASEAN.
Theo bà Tâm, cá tra fillet đông lạnh là mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở nhiều thị trường nên có nhu cầu lớn cả trong và sau dịch COVID-19. Vừa rồi, đơn hàng từ Trung Quốc giảm nhưng khả năng sẽ tăng đáng kể trong quý II và III/2020. Bà cho biết thêm, nhiều khách hàng của Vĩnh Hoàn ở châu Âu cũng nhận định, đơn hàng cá tra có thể tăng đột biến do các đơn hàng cá thịt trắng được gia công ở Trung Quốc như cá cod, cá pollock, haddock đang bị ách tắc.
“Hiện tại không chỉ duy trì sản xuất bình thường mà chúng tôi còn chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho quý II và III để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tránh việc giá cá tăng mạnh khi có đột biến về đơn hàng, gây bất ổn cho ngành hàng. Đặc biệt trong 2 quý cuối năm là giai đoạn dễ thiếu nguyên liệu chế biến cá tra”, bà Tâm nói.
>> Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn xuất khẩu hai tháng vừa qua có đóng góp của việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Chẳng hạn các hoạt động “giải cứu” tôm hùm, cua biển diễn ra khắp nơi đã giữ mức giá để người nuôi không bị lỗ. Thị trường nội địa ngày càng nổi lên vị trí quan trọng, vấn đề là chất lượng sản phẩm phải nâng cao và công tác tiếp thị kích cầu tiêu dùng cũng phải chuyên nghiệp. |
Sáu Nghệ
Bình luận gần đây