Xuất khẩu cá tra bật tăng trở lại
Khởi sắc
Theo Bộ NN&PTNT, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 5 tăng nhẹ 200 – 500 đồng/kg so tháng trước lên mức 21.500 – 21.700 đồng/kg (công nợ) cho cá size 800 g đến 1,1 kg. Đối với cá tra nguyên liệu size lớn từ 1,2 kg trở lên, các công ty làm hàng gia công đi thị trường Trung Quốc thu mua tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg so với tháng trước lên mức 21.800 – 22.000 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu hiện vẫn chỉ tương đương so với chi phí sản xuất, do giá thức ăn cá tra đã liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.
Về giá trị xuất khẩu, theo thống kê của VASEP, tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 600 triệu USD, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm 2020. Các thị trường nhập khẩu mạnh cá tra Việt Nam tăng nhanh trong thời gian này là Trung Quốc, Mỹ, Brazil và Thái Lan. Đơn cử như, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt khoảng 27 triệu USD, Thái Lan 26 triệu USD, với mức tăng lần lượt 38,7% và 8,5% so cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của VASEP, việc tăng trưởng tại Thái Lan (thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất ở ASEAN) sẽ là tín hiệu sáng cho thị phần cá tra tại khu vực này trong thời gian tới. Nhập khẩu cá tra tại một số thị trường lớn như Trung Quốc và các thịt trường khu vực Nam Mỹ có xu hướng tăng nhẹ nhu cầu cho hàng fillet size lớn, trong khi tồn kho nhà máy và nguồn cung cá nguyên liệu size này hiện đểu ở mức không cao.
Tại thị trường Mỹ cũng có sự tăng trưởng mạnh về nhập khẩu cá tra từ đầu năm 2021. Cụ thể, trong tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng hơn 120% so cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 35 triệu USD. Nguyên nhân, kể từ cuối năm 2020, lượng cá tra tồn kho tại Mỹ không còn nhiều; sản lượng cá da trơn nội địa của nước này cũng sụt giảm. Do đó, ngay từ đầu năm, Mỹ đã tăng nhập khẩu cá tra đông lạnh trở lại. Hiện nay, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cá tra fillet đông lạnh, cá tra cắt miếng/khúc đông lạnh, fillet cá tra cắt đông lạnh, cá tra nguyên con cắt đầu/khúc đông lạnh, da cá tra sấy, fillet cá tra cắt tẩm bột, khô cá tra sang thị trường Mỹ.
Thích ứng để xuất khẩu
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) chia sẻ, xuất khẩu cá tra basa và sản phẩm chế biến từ nguyên liệu cá da trơn trong 5 tháng đầu năm của Công ty tăng 10% so cùng kỳ năm 2020. Có được kết quả này là do APT đã chủ động trao đổi với khách hàng để sản xuất mặt hàng phù hợp với thị trường, thay vì chỉ chào bán sản phẩm doanh nghiệp đang sản xuất. Theo đó, từ sự tư vấn của nhà nhập khẩu, Công ty nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng mới mẻ của khách hàng thế giới, tăng cường sản phẩm chế biến mới như: khô cá, chả cá, các loại bánh có nhân là thịt cá. Đây là những sản phẩm tiện dụng, khách hàng có thể dùng ngay hoặc cho vào lò vi sóng là ăn được.
Từ đó, biên độ lợi nhuận của Công ty tốt hơn so trước đây. Ngoài ra, không chỉ thị trường châu Á, khô cá tra basa của APT còn được khách tại Hà Lan đặt hàng, chỉ chờ giấy phép bổ sung danh mục sản phẩm xuất khẩu theo quy định vì đây là sản phẩm mới. Trước tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải nhanh nhạy tìm giải pháp thích ứng, áp dụng phương thức mua bán mới. Như cách làm của Công ty CP Thủy sản Trường Giang, thay vì bán giá CIF – giao hàng đến cảng nước nhập khẩu, thì doanh nghiệp chuyển sang ký kết hợp đồng bán giá FOB – giao hàng tại cảng Việt Nam. Với phương thức này, việc vận chuyển sẽ do đối tác nhập khẩu lo hoàn toàn.
Một khó khăn khác của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản nói chung trong đó có ngành cá tra đó là chi phí đầu vào từ nguyên liệu đến bao bì, logicstics đều tăng, trong khi các khách hàng đều đặt áp lực giảm giá do sức mua chưa thật sự tăng mạnh. Do vậy, để giữ thị trường, duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động, một số doanh nghiệp phải bán huề vốn. Một số trường hợp khách hàng yêu cầu giảm giá sản phẩm A nhưng doanh nghiệp không thể giảm, nên phải đàm phán khuyến mãi sản phẩm B để giữ khách.
Hồng Hạnh
Bình luận gần đây