Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng mạnh

Theo thống kê từ VASEP, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ, nên trong quý I/2024, các sản phẩm cá ngừ đã xuất được sang hơn 80 thị trường (trong khi năm ngoái là 70 thị trường) với sự tăng trưởng ở hầu hết các nhóm sản phẩm, đặc biệt là nhóm mặt hàng cá ngừ đóng hộp lại tăng mạnh 53%. Nâng tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lên trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, ở mức gần tương đương so với các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh, mang về nguồn kim ngạch hơn 220 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của cá ngừ Việt Nam phải kể đến là: Mỹ, Ba Lan, Canada, Bồ Đào Nha…

Sản phẩm cá ngừ đóng hộp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024. Ảnh: Nguyễn Hưng

Cụ thể, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này sau khi tăng mạnh trong tháng 1 đã sụt giảm nhẹ 8% trong tháng 2. Tuy nhiên, đến tháng 3, thời điểm mà Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ đã diễn ra, tạo thời cơ thuận lợi cho tiêu thụ giao thương thủy sản nên sản phẩm cá ngừ đã có bước chuyển biến tốt, trong khi xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ sang thị trường Mỹ giảm thì sản phẩm cá ngừ đóng hộp tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tại khối thị trường EU, hoạt động xuất khẩu cá ngừ Việt Nam có sự đối lập giữa một số thị trường, đó là sự giảm nhẹ tại Đức và Hà Lan nhưng lại tăng trưởng mạnh tại Italy hay Ba Lan so với cùng kỳ. Hiện Ba Lan chiếm gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan tăng 786% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2 triệu USD. Trong các mặt hàng xuất khẩu, cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh là 2 nhóm sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường này. Trong đó, cá ngừ đóng hộp là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường Ba Lan.

Với các nước trong khối thị trường tham gia Hiệp định CPTPP, tình hình giao thương của mặt hàng cá ngừ của Việt Nam khá tốt; khi xuất khẩu cá ngừ sang Canada và Chile đang tăng phi mã trong quý I, lần lượt là 146% và 116%. Theo đó, Canada hiện đang nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam. So với cùng kỳ, xuất khẩu cả 2 nhóm sản phẩm này đều tăng, lần lượt là 150% và 25%.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 cho Canada trong năm 2023, sau Thái Lan và Italy. Năm qua, nhập khẩu cá ngừ của Canada từ các nguồn cung chính phần lớn đều giảm. 

Tại châu Âu, Bồ Đào Nha là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 6 trong khối EU, đạt hơn 220.000 USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù là con số nhỏ nhưng cũng là sự khởi sắc của sản phẩm cá ngừ Việt Nam sang thị trường này. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang được hưởng ưu đãi về thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định EVFTA, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc hay Indonesia, những nước đang không được hưởng ưu đãi. Cũng có rất ít doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam tiếp cận được thị trường Bồ Đào Nha. Trong số các doanh nghiệp, Dragon Waves là doanh nghiệp dẫn đầu về nguồn cung cá ngừ Việt Nam cho thị trường này.

Thực tế tình hình xuất khẩu cá ngừ sang các nước EU khác vẫn sẽ gặp khó khăn vì vấn đề “thẻ vàng” IUU khiến việc làm xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu sang EU bị đình trệ. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp vừa thiếu nguyên liệu trong nước vừa khó cả với nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước và nhập khẩu minh bạch.

Vân Anh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *