Xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng trưởng trở lại?

Khởi sắc ở nhiều thị trường

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 7 xuất khẩu cá ngừ đạt 76 triệu USD, giảm 11% so cùng kỳ. Đây là mức giảm thấp nhất trong 7 tháng đầu năm 2023. Hiện xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản hay Canada vẫn tiếp tục giảm, trong khi xuất khẩu sang EU tiếp tục khởi sắc.

Xuất khẩu cá ngừ sang EU tiếp tục phục hồi và đang dần bù đắp lại lượng sụt giảm trong những tháng đầu năm. Xuất khẩu sang EU trong tháng 7 đã tăng 28% so cùng kỳ. Nhờ đó, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng 5% so cùng kỳ năm 2022, đạt 96 triệu USD.

Sản phẩm cá ngừ Việt Nam được nhiều thị trường đánh giá cao. Ảnh: H.Lan

Đáng chú ý là sự xuất hiện trở lại của Italy trong top 3 thị trường dẫn đầu khối EU về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ sang Italy trong tháng 7/2023 tăng gấp 10 lần so cùng kỳ năm 2022. Cùng với Italy, xuất khẩu sang Đức và Hà Lan cũng đang tăng mạnh trong tháng 7 lần lượt là 43% và 96%.

Israel đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel không ổn định tăng giảm liên tục. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel đang tăng trưởng cao liên tục, có tháng tốc độ tăng lên tới 3 con số. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Israel đạt gần 25 triệu USD, tăng 92% so cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các thị trường ghi nhận tăng trưởng. Ảnh: ST

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc cũng tăng ấn tượng. Lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD. Năm nay mặc dù đồng Won bị mất giá mạnh so với USD khiến cho giá cá ngừ nhập khẩu tăng cao, nhưng do sản lượng đánh bắt của các đội tàu giảm nên Hàn Quốc phải tăng xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Khắc phục khó khăn

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của sự sụt giảm tại các thị trường chính của thị trường xuất khẩu cá ngừ Việt Nam là do nguồn nguyên liệu không ổn định, thiếu nguồn cá đủ chất lượng để chế biến xuất khẩu, trong khi đó thị trường tiêu thụ cá ngừ ngày càng khó khăn hơn, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được cải thiện, xu hướng tiêu thụ tại các thị trường đang thay đổi theo hướng bền vững, khả năng thích ứng và cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thấp.

Nguyên liệu không ổn định khiến thị trường gặp trở ngại. Ảnh: ST

Mặc dù việc tỉnh Bình Định hợp tác với Nhật Bản trong việc chuyển giao công nghệ khai thác cá ngừ nhằm nâng cao chất lượng cá sau thu hoạch đã mở ra một hướng phát triển mới cho ngành cá ngừ Việt Nam. Nhưng chưa thể khắc phục ngay được tình hình thiếu nguyên liệu. Tương tự, tỉnh Khánh Hòa những năm qua cũng có sự phối hợp với các đơn vị nước ngoài về chuyển giao công nghệ song cũng chưa đạt được kết quả mong đợi.

Thêm vào đó giá nhiên liệu, nhu yếu phẩm ngày càng tăng cao khiến cho chi phí mỗi chuyến biển tăng, ảnh hưởng tới giá cá nguyên liệu, đẩy giá thị trường lên cao. Điều này đã ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại các thị trường.

Công tác quản lý cá ngừ hiện nay cũng gặp khó khăn. Cá ngừ là nghề lớn, khai thác khác nhưng không đơn vị nào quản lý được, quan hệ họ hàng là chủ yếu. Trong khi lao động nghề cá nói chung thiếu, nên mỗi tàu khai thác cá ngừ chỉ có 5 – 6 người, nhưng chỉ 2 – 3 người có đào tạo, còn lại là thời vụ. Cấp bách hiện nay là cần có giải pháp nâng cao trình độ ngư dân và quản lý nghề cá tốt hơn.

Khó khăn nữa là “thẻ vàng” của EC về quy định về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) khiến thủy sản khai thác trong đó có cá ngừ gặp khó tại thị trường này.

Khắc phục được những khó khăn trên, cá ngừ đại dương mới có thể xuất khẩu ổn định đem lại giá trị cao, thực sự trở thành sản phẩm chiến lược của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam Vũ Đình Đáp: Cá ngừ của Việt Nam vẫn mang tính thủ công từ khai thác đến bảo quản, chưa có thay đổi. Mặc dù có đề tài khoa học, kỹ thuật nhưng không thể đến với ngư dân. Ngư dân không qua đào tạo nên khá bảo thủ. Bên cạnh đó, do bảo quản không tốt nên khó nâng giá trị cá ngừ Việt Nam. Mặc dù Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam và các doanh nghiệp phấn đấu 7 năm xây dựng nhãn hiệu sinh thái cá ngừ Việt Nam, hy vọng năm nay sẽ được công nhận. 

Vũ Mưa

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *