Xu hướng tiêu dùng thủy sản tại thị trường châu Âu
Ba thị trường cửa ngõ
Bất chấp các tác động của COVID-19, châu Âu tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm thủy sản từ các nước đang phát triển. Châu Âu đứng thứ 2 thế giới về nhập khẩu thủy sản để tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu, đồng thời giữ vai trò trung tâm phân phối sản phẩm trong vùng. Tổng trị giá nhập khẩu thủy sản vào châu Âu trong năm 2020 đạt 54,8 tỷ USD và giá trị liên tục tăng từ năm 2015, đạt kỷ lục 58 tỷ USD vào năm 2018. Năm 2019, nhập khẩu giảm 4% và chỉ giảm 1% trong năm 2020.
Kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển đạt 14,4 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 8% so mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2018 là 16,6 tỷ USD. Do COVID-19, nhập khẩu thủy, hải sản vào châu Âu từ các nước đang phát triển có giảm nhẹ, nhưng tổng nhập khẩu của toàn châu lục này vẫn tăng. Nguyên nhân là nhiều quốc gia châu Âu vướng mắc về logistics do biên giới đóng cửa hay hạn chế đi lại khiến họ phải tìm kiếm nguồn cung khác ở các nước láng giềng hoặc ngay trong châu Âu.
Hà Lan, Đức và Bỉ là các trung tâm thương mại thủy sản trọng điểm của châu Âu, đây là 3 thị trường thuộc Tây Bắc châu Âu có các đường biên giới thuộc Biển Bắc. Nhờ các khu vực chiến lược tại châu Âu và thành phố cảng như Rotterdam, Hamburg và Antwerp, các thị trường này là cửa ngõ vào những thị trường còn lại của châu Âu. Năm ngoái, tổng trị giá nhập khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển sang Hà Lan là 1,5 tỷ USD, chiếm 74% kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này từ ngoài châu Âu. Trong năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của Bỉ và Đức từ các nước đang phát triển giảm 1% trong khi Hà Lan nhập khẩu tăng 10%. Những con số này cho thấy nhập khẩu vào 3 thị trường này vẫn tiếp tục tăng, bất chấp các tác động của COVID-19.
Thủy sản bền vững lên ngôi
Các công ty tại Bắc Âu và Nam Mỹ đã bắt đầu cam kết cung cấp thủy sản bền vững vào đầu năm 2000 và những cam kế này hiện đã lan rộng toàn cầu. Có nhiều chứng nhận bền vững, nhưng MSC và ASC có lịch sử lâu đời nhất mà các hãng bán lẻ tại châu Âu đều đã cam kết sử dụng cho thủy sản nuôi và khai thác. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi. Tổ chức Sáng kiến Thủy sản Bền vững toàn cầu (GSSI) đã phát triển công cụ nhận dạng các chương trình chứng nhận thủy sản đã thực hiện thành công. Do đó, các hãng bán lẻ đang dần chuyển từ cam kết bán hải sản nhãn sinh thái đặc biệt như ASC và MSC sang hải sản được chứng nhận theo tiêu chuẩn của GSSI gồm BAB và GlobalGAP. Suốt thời gian dài, nhu cầu tiêu thụ hải sản bền vững bị hạn chế tại Tây – Bắc Âu. Nhưng những năm gần đây, thủy sản bền vững đang lên ngôi tại thị trường Nam và Đông Âu.
Trong năm 2019/2020, khoảng 887.000 tấn thủy sản dán nhãn MSC đã bán ra thị trường châu Âu, tăng so mức 787.000 tấn của năm 2018/2019. Sau Đức, Pháp đã trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm MSC lớn thứ 2 châu Âu. Nam Âu là những thị trường đón nhận hải sản MSC nhiệt tình nhất. Năm 2019/2020, Nam Âu đã có 2.890 sản phẩm được chứng nhận MSC trên thị trường, tăng 32% so năm trước đó. Số lượng sản phẩm MSC sẵn có trên thị trường Pháp đã tăng 27% và số lượng sản phẩm này trên thị trường Tây Ban Nha tăng 25%.
ASC ra đời sau nhưng cũng đang phát triển nhanh. Trong tháng 1/2021, có 1.336 trang trại đạt chứng nhận ASC. Tháng 12/2020, có 9.748 sản phẩm được chứng nhận ASC có mặt tại thị trường châu Âu, tăng 32% so tháng 12/2019. Số lượng sản phẩm chứng nhận ASC đặt mua cho thị trường Nam Âu tăng mạnh 46%, đạt 2.577 sản phẩm. Thị trường Nam Âu quy mô nhất là Pháp với 1.428 sản phẩm ASC có mặt trên thị trường này vào tháng 12/2020.
Cơ hội từ kênh bán lẻ
Trong khi toàn cầu rung động vì COVID-19, thì thị trường thủy sản châu Âu vẫn tương đối ổn định trong năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch đã gây ra sự dịch chuyển mạnh mẽ về nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu đối với thủy sản và sự thay đổi về nguồn cung sản phẩm này do những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại các nước sản xuất.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 vẫn là ngành dịch vụ ẩm thực. Điển hình, cá ngừ tươi, một sản phẩm thường được bán cho các ngành dịch vụ ẩm thực tại Bắc Tây Âu và Nam Âu gần như biến mất khỏi thị trường do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Năm 2020, nhập khẩu cá ngừ mắt to của các thị trường ở Bắc, Tây Âu từ các nước đang phát triển giảm tới 88%. Khi các nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại, phong tỏa được nới lỏng thì tiêu thụ cá ngừ tươi mới tăng dần trở lại nhưng để phục hồi hoàn toàn thì vẫn cần một khoảng thời gian dài.
COVID-19 tác động nặng tới người mua và bán. Tình hình càng tồi tệ hơn bởi những khó khăn chồng chéo về vận tải và nguồn cung tại các nước xuất khẩu. Ngành chế biến cũng đối mặt thách thức từ thiếu hụt nhân công đến điều kiện lao động an toàn để tránh dịch bệnh. Do đó, nhiều hãng chế biến phải sản xuất các sản phẩm bảo quản lâu hơn và nhắm đến các kênh bán lẻ.
Lĩnh vực bán lẻ trở thành kênh tiêu thụ chính cho các sản phẩm thủy sản khai thác và nuôi chưa chế biến trước đại dịch. Theo dữ liệu của Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Anh, kênh bán lẻ đã tiêu thụ khoảng 63 – 80% thủy sản chưa chế biến trong năm 2019. Thậm chí, kênh bán lẻ trở thành công cụ marketing quan trọng hơn suốt đại dịch. Suốt các đợt phong tỏa COVID-19, nhu cầu tiêu thụ hải sản ngoài nhà hàng biến mất, thay vào đó người dân phải tự nấu ăn tại nhà. Do đó, các công ty bán lẻ đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới để phục vụ nhóm khách hàng nấu ăn tại nhà. Nguyên liệu thô để chế biến các sản phẩm này vẫn phải nhập khẩu từ các nước đang phát triển.
Trong tương lai, kênh bán lẻ vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng tại châu Âu. Nhiều người dân ngày càng thích nấu ăn tại nhà. Do đó, bán lẻ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại châu Âu, đặc biệt với các sản phẩm tiện lợi và dễ chế biến hoặc sản phẩm “mua mang về” và sản phẩm bán ở siêu thị như sushi, salad hải sản, một nhà nhập khẩu tại Bỉ chia sẻ. Cùng đó, khi các nhà hàng mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bán tại kênh dịch vụ ẩm thực cũng tăng dần. Nhưng chìa khóa để thành công tại thị trường châu Âu vẫn là sự linh hoạt và gắn kết chặt chẽ với người mua để nắm bắt mọi sự thay đổi về nhu cầu của họ.
>> Ngoài sản phẩm bền vững, thủy sản hữu cơ cũng tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường ngách châu Âu. Theo khảo sát của Cơ quan Giám sát Thị trường khai thác và NTTS châu Âu (EUMOFA), Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Anh đã tiêu thụ 46.500 tấn sản phẩm thủy sản nuôi và khai thác chưa chế biến có nguồn gốc hữu cơ trong năm 2019, tăng 3% năm 2018 nhưng tăng 20% so năm 2015. Thị trường thủy sản hữu cơ nhìn chung còn nhỏ tại châu Âu, nhưng nếu biết nắm bắt thì các hãng xuất khẩu có cơ hội thu lời lớn bởi giá bán sản phẩm này luôn ở mức cao.
Dũng Nguyên
Theo CBI
Bình luận gần đây