Xây dựng chuỗi giá trị: Nâng tầm xuất khẩu

Theo Cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 4,35 tỷ USD, tăng gần 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, hiện tại ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu, giá nguyên liệu tăng cao, cạnh tranh gay gắt với một số nước,… Câu hỏi đặt ra là, các doanh nghiệp thủy sản cần làm gì để vượt qua nghịch cảnh, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024.

Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Nga – Trưởng bộ môn Kinh tế học (Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Một số ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp có thể làm chủ chuỗi giá trị sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn và giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Ông có đồng tình với quan điểm này không? Vì sao?

Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Khi sản xuất theo chuỗi, các bên liên quan từ khai thác, thu mua nguyên liệu cho đến khi chế biến xuất khẩu có sự hợp tác chặt chẽ với nhau, từ đó có sự hỗ trợ nhau, giảm chi phí trung gian, chi phí giao dịch và nâng cao giá trị. Thông thường nếu các doanh nghiệp hoạt động rời rạc không theo chuỗi, họ thường mua nguyên liệu qua các kênh trung gian. Điều này vừa làm tăng chi phí, vừa kéo dài thời gian vận chuyển nguyên liệu nên nguyên liệu thủy sản khi về đến doanh nghiệp bị giảm chất lượng và giá trị so với hình thức sản xuất theo chuỗi.

Một số nghiên cứu gần đây đối với chuỗi giá trị cá ngừ cho thấy rằng, khi sản xuất theo chuỗi sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế hơn so với hình thức hoạt động đơn lẻ, độc lập. Còn theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, việc thực hiện sản xuất theo chuỗi là cơ sở để tổ chức sản xuất với quy mô lớn, tận dụng tính kinh tế theo quy mô, đồng thời giảm thời gian, chi phí vận chuyển thủy sản qua các khâu trung gian khiến các nhà máy chế biến thủy sản của họ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo tôi, chúng ta nên tiếp thu học hỏi kinh nghiệm sản xuất theo chuỗi từ những quốc gia này.

Theo ông, đối với các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam, việc xây dựng và làm chủ chuỗi giá trị có những thuận lợi và khó khăn gì? Mắt xích nào trong chuỗi giá trị là quan trọng nhất, xin ông phân tích cụ thể?

Về mặt thuận lợi, Việt Nam là một trong 10 cường quốc thủy sản trên thế giới, chúng ta có vùng biển rộng lớn và tài nguyên biển đa dạng. Ngoài ra, ngành NTTS cũng rất phát triển, do đó thế mạnh của chúng ta là có nguyên liệu dồi dào cho chế biến và xuất khẩu quy mô lớn. Đội ngũ lao động bản địa tương đối lớn, có kinh nghiệm và giá nhân công rẻ cũng là một thuận lợi.

Nghề cá của Việt Nam đã có quá trình phát triển lâu đời. Nhiều chính sách của nhà nước thúc đẩy ngành thủy sản phát triển cả thị trường trong và ngoài nước. Là nước đi sau trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, nhưng có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là từ Nhật Bản vốn đang có nhiều chính sách hợp tác nghề cá với Việt Nam.

Về khó khăn, chúng ta đang thiếu và yếu về vốn, cơ sở hạ tầng, trình độ lao động nghề cá còn thấp, tàu thuyền khai thác công suất nhỏ, trong khai thác chủ yếu tổ chức theo kiểu các ngư hộ nhỏ lẻ. Đây là những rào cản căn bản để có thể tổ chức sản xuất tốt theo mô hình chuỗi.

Hiện nay, tình trạng thiếu vốn cho sản xuất khiến các ngư dân phải phụ thuộc vốn vay nhiều vào các chủ nậu vựa với lãi suất cao. Ngoài ra, sau khi thủy sản được khai thác, họ thường phải bán nguyên liệu cho các chủ nậu vựa, bị ép giá là tình trạng diễn ra thường xuyên. Muốn tổ chức sản xuất theo chuỗi, quy mô sản xuất lớn sẽ dễ dàng cho việc thực hiện hơn. Tình trạng nghề cá được tổ chức với quy mô nhỏ lẻ như hiện nay, trong bối cảnh thiếu vốn và yếu về cơ sở hạ tầng, hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, đã khiến chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Đối với chuỗi giá trị thủy sản khai thác, mắt xích quan trọng nhất là khâu khai thác thủy sản. Hiện nay, khâu chế biến thủy sản chúng ta đã làm khá tốt. Việt Nam là quốc gia có năng lực chế biến và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, công nghệ chế biến thủy sản của chúng ta khá hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường về sản phẩm.

Tuy nhiên, trong khâu khai thác, công nghệ khai thác và bảo quản thủy sản sau khai thác vẫn còn lạc hậu, chủ yếu theo phương pháp truyền thống nên cá sau khi khai thác được vận chuyển về bờ đã bị giảm chất lượng đáng kể, từ đó khiến cho chất lượng sản phẩm sau chế biến cũng bị hạn chế. Đây là nguyên nhân mà sản phẩm thủy sản xuất khẩu của chúng ta nhìn chung chưa được đánh giá cao về chất lượng. Trong khi đó, xét trong chuỗi giá trị, khai thác là hoạt động tạo ra giá trị lớn nhất trong toàn bộ giá trị của chuỗi, do đó đây là mắt xích quan trọng nhất, và cũng là vấn đề chúng ta đang cần tập trung cải tổ nhiều nhất.

Xin ông cho biết một số quốc gia đã thành công trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong ngành thủy sản? Việt Nam có thể học hỏi được những bài học kinh nghiệm nào thông qua đó?

Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong ngành thủy sản như Mỹ, các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan,… Tuy nhiên chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số nước gần với Việt Nam và họ đã rất thành công trong việc này, đó là Nhật Bản và Thái Lan.

Thứ nhất, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, độc lập theo ngư hộ thành các hợp tác xã doanh nghiệp, tập đoàn quy mô lớn (học hỏi từ Thái Lan), chúng ta mới có thể dễ dàng tổ chức sản xuất theo chuỗi. Để làm được điều này, công việc trước mắt cần cải tổ lại đội tàu, tiếp tục giảm bớt tàu nhỏ, cũ và lạc hậu, thay bằng tàu có công suất lớn.
Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản biển của chúng ta hiện nay đa phần đã bị khai thác quá mức, năng suất khai thác giảm dần theo thời gian. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất theo chuỗi cũng như yêu cầu về phát triển bền vững, sản lượng khai thác trong các năm tới cần giảm bớt, quan tâm đến vấn đề bảo vệ nguồn lợi như quy định và kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về kích thước mắt lưới khai thác thủy sản, kích thước thủy sản được phép khai thác, mùa vụ khai thác, khu vực khai thác để không tận diệt nguồn lợi và duy trì sản lượng trong tương lai.

Doanh nghiệp làm chủ chuỗi giá trị sẽ giành được lợi thế cạnh tranh. Ảnh minh họa

Thứ hai, việc chế biến và xuất khẩu thủy sản cần kết hợp với chế biến xuất khẩu các loại thực phẩm khác để đảm bảo sản xuất liên tục, nâng cao hiệu quả và đảm bảo việc làm, thu nhập cho lao động.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế nghề cá, cả về khai thác, chế biến, tiêu thụ và cả trong bảo vệ nguồn lợi chung của khu vực. Về vấn đề này, trở thành thành viên chính thức của các tổ chức nghề cá như Ủy ban nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương, Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á, Ủy ban Nghề cá Châu Á – Thái Bình Dương,… cũng là việc làm cần thiết để có thể thực hiện tốt hơn các nội dung này.

Thứ tư, thị trường xuất khẩu là yếu tố rất quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều thị trường tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác được đáng kể. Chẳng hạn như đối với mặt hàng cá ngừ là mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, ở một số thị trường thuộc EU như Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Latvia,… hay ở các nước thuộc thành viên của hiệp định CPTPP, mặc dù chúng ta được hưởng thuế ưu đãi 0% sau khi hiệp định có hiệu lực, nhưng nhiều thị trường trong đó chúng ta hầu như chưa tận dụng được.

Thứ năm, phải có chính sách đầu tư đáng kể và tín dụng ưu đãi về vốn cho ngành thủy sản nói chung để có thể hiện đại hóa nghề cá, tổ chức sản xuất theo quy mô lớn mới dễ dàng gắn kết, hợp tác để sản xuất theo chuỗi.

Thưa ông, bên cạnh việc xây dựng và làm chủ chuỗi giá trị, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần làm gì để có thể vượt qua nghịch cảnh, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024?

Ngoài làm chủ chuỗi giá trị, vấn đề chúng ta cần làm là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào việc đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Vấn đề này phải được thực hiện kèm theo việc thúc đẩy xúc tiến thương mại (XTTM) để mở rộng thị trường, tăng quy mô xuất khẩu.

Nhìn chung công tác XTTM của nước ta vẫn còn nhiều bất cập, có thể kể đến như việc chúng ta còn thiếu kinh nghiệm trong XTTM làm hạn chế phát triển thị trường, bên cạnh đó là thiếu và yếu về nguồn nhân lực và tài chính cho hoạt động XTTM. Việc thiếu nhân lực và kinh phí cho hoạt động XTTM khiến cho công tác khảo sát thị trường, xây dựng mở rộng các kênh phân phối, hoạt động tiếp thị sản phẩm,… gặp nhiều khó khăn. Từ đó dẫn đến việc thiếu cơ sở vật chất cho hoạt động xúc tiến thương mại, thiếu thông tin về thị trường.

Trong thời gian qua, các hoạt động XTTM của Việt Nam thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những hàng hóa mà mình có, chưa gắn liền với hoạt động phát triển sản phẩm để có thể bán những sản phẩm hàng hóa mà thị trường có nhu cầu. Nhìn chung, các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu bao gồm các hoạt động tình thế, chưa có một kế hoạch hay chiến lược XTTM cụ thể, xuyên suốt với một tầm nhìn dài hạn.

Tất cả những vấn đề này dẫn đến sự kém hiệu quả, yếu về cầu và thiếu về cung đối với các dịch vụ XTTM. Tuy nhiên việc này khó có thể thực hiện trong ngắn hạn (trong năm 2024), do đó giải pháp trước mắt vẫn là ưu tiên đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường về hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC cũng là giải pháp cần thiết và cấp bách để tăng xuất khẩu thủy sản. Việc bị cảnh báo “thẻ vàng” khiến cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu của chúng ta giảm uy tín đối với khách hàng, khiến khách hàng e ngại mua sản phẩm. Trước khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào EU được thông quan tự động, nhưng từ khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, hàng xuất khẩu bị chặn lại 100% từ cảng để kiểm tra nguồn gốc khai thác, khiến thời gian thông quan kéo dài lên 10 – 15 ngày, làm phát sinh thêm chi phí lưu cảng, chi phí kiểm tra hàng, kéo dài thời gian nhận hàng,… gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu và làm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Số liệu thống kê cũng cho thấy xuất khẩu thủy sản của nước ta bị tác động tiêu cực lớn từ “thẻ vàng”. Thống kê của VASEP cho biết, năm 2018 – năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, tỷ trọng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU chiếm 11,8%. Sang năm 2019, con số này suy giảm còn 10,7% và còn 9,5% vào năm 2020. Đến năm 2022 – tức là sau 5 năm, tỷ trọng đã giảm còn 9,4%. Nếu chúng ta gỡ được thẻ vàng, cùng lúc đó tận dụng cơ hội giảm thuế từ hiệp định EVFTA, chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu thủy sản tăng mạnh.

Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, doanh nghiệp nào có tính liên kết chặt chẽ cùng các bên tham gia trong chuỗi cung ứng của mình, nắm chắc biến số tác động cho cả cầu lẫn cung, sẽ giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc chủ động “cầm trịch” chuỗi giá trị sẽ giúp giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất, thoát khó một cách dễ dàng hơn và có tăng trưởng tốt.

Hoàng Hải
(Thực hiện)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *