Xác định vị thế cá chẽm

Năm nay nuôi cá lời hơn tôm 

Hôm chúng tôi đến trùng với lúc trang trại của Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đang thu hoạch ao cá chẽm để giao cho khách hàng ở chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh). Anh Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty cho chúng tôi biết, lứa cá này anh nuôi được 8 tháng và kích cỡ đã đạt 1,2 – 1,5 kg/con, có giá 75.000 đồng/ kg. Anh Dũng chia sẻ: “Mức giá này đã giảm khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm, nhưng nếu nuôi đạt tỷ lệ sống và thời gian không kéo dài người nuôi vẫn có lời 5.000 – 7.000 đồng/kg”. 

Anh Ngô Thanh Tuấn, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cũng là một trong số hộ nuôi cá chẽm quy mô lớn ở Sóc Trăng không giấu nổi niềm vui khi nói về vụ cá chẽm năm nay: “Giá cá chẽm những tháng đầu năm rất cao, có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg và kéo dài hơn 1 tháng, còn bình quân cũng được khoảng 80.000 đồng/kg, tính ra mỗi kg cá chẽm người nuôi có lời 10.000 – 20.000 đồng/kg, nên năm nay người nuôi cá chẽm hơn hẳn những người nuôi tôm”. 

Anh Tuấn và anh Dũng tiết lộ thêm, nếu như trước đây, mỗi ha nuôi cá chẽm chỉ cho thu hoạch khoảng 20 – 25 tấn thì hiện tại con số này bình quân lên đến 50 tấn, thậm chí có người đạt đến 100 tấn. Với năng suất trên, tính ra những tháng đầu năm, nếu suôn sẻ người nuôi cá chẽm có lời từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, một con số mà ngay cả những người nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cũng ghen tị. 

Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện chỉ còn Công ty Vạn Đức ở Tiền Giang thu mua sản phẩm, nên lượng tiêu thụ cũng hạn chế, kéo giá cá giảm. Giá thành nuôi cá hiện vào khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg nên với giá cá như hiện tại lợi nhuận sẽ không cao, lại nhiều rủi ro. Do đó, sau khi thu hoạch lứa cá chẽm vừa rồi tôi đã tạm ngưng để nghe ngóng thị trường rồi mới quyết định mở rộng diện tích nuôi hay không”. 

Nhiều dư địa phát triển 

Bắt đầu nuôi thủy sản trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2010 đến nay Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã có sản lượng cá chẽm hàng năm trên 10.000 tấn 

và doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 35%/năm để phục vụ cho các nhà máy gia công chế biến phục vụ phân khúc thị trường riêng của mình. Không những thế, đây còn là doanh nghiệp cung ứng một lượng khá lớn nguồn cá giống cho các đại lý ương dưỡng và người nuôi các tỉnh ven biển. Anh Ngô Thanh Tuấn, cho biết: “Tôi cũng thường sử dụng con giống từ các đại lý của Australis về dèo thêm một thời gian cho cá lớn rồi mới thả ra ao nuôi. Nhìn chung, con giống của Công ty này là khá tốt, tỷ lệ sống cao và tốc độ tăng trưởng nhanh”. 

Tuy nhiên, Khánh Hòa cũng chưa phải là địa phương có sản lượng cá chẽm lớn nhất mà theo anh Võ Điền Trung Dũng, tính đến thời điểm hiện tại Sóc Trăng mới chính là tỉnh có sản lượng cá chẽm lớn nhất cả nước, với sản lượng mỗi năm ước khoảng 20.000 tấn. Anh Dũng chia sẻ: “Nếu lấy giá hiện tại là 75.000 đồng/kg thì doanh số từ con cá chẽm mang lại cho tỉnh Sóc Trăng vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Công ty tôi, sản lượng cá biển mỗi năm khoảng 4.000 tấn; trong đó, có khoảng 2.000 tấn liên kết với hộ nuôi bên ngoài và 2.000 tấn tự nuôi. Riêng con cá chẽm chiếm khoảng 85% tổng sản lượng này”. Anh Dũng cũng khẳng định, hiện chỉ có con cá chẽm và cá bớp là đủ sức cạnh tranh cả về mặt chất lượng lẫn giá thành với một số quốc gia có nghề nuôi cá chẽm, như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Riêng Malaysia sau thời gian nhập hàng từ Việt Nam, thấy đây là đối tượng tiềm năng, tiêu thụ trong nước cũng tốt nên họ cũng bắt đầu phát triển nuôi cá chẽm. 

Bên cạnh thị trường nội địa, cá chẽm còn có thuận lợi là được thị trường nhiều nước châu Á, châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Trung Đông… ưa chuộng, nên dư địa phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của anh Dũng, con cá chẽm nếu nuôi trong ao dọc theo tuyến sông lớn, gần cửa biển sẽ thuận lợi hơn, do dễ dàng xử lý môi trường. Anh Dũng phân tích: “Môi trường, dịch bệnh ngày càng cao đòi hỏi cần phải xử lý tốt. Cho nên, nếu nuôi vùng biển hở thì rất khó xử lý, phải kéo ra xa bờ để giảm rủi ro. Trong khi đó, nếu nuôi trong ao chỉ cần ngăn cống lại là có thể xử lý, chủ động được về mặt môi trường”. 

Cần mở “đường bơi” cho cá chẽm 

Chia sẻ về tương lai của con cá chẽm, anh Dũng vẫn còn cảm thấy tiếc: “Tôi vẫn còn nhớ, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tổ chức tại TP Đà Nẵng, trong số thực đơn có con cá chẽm, nhưng chúng ta không tận dụng được cơ hội này để quảng bá hình ảnh con cá chẽm với bạn bè quốc tế, nhằm đưa ngành hàng này phát triển hơn nữa”. Do đó, theo anh Dũng, để con cá chẽm phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thì Chính phủ phải đi đầu, sau đó đến bộ, ngành, nhằm giới thiệu, tiếp thị mặt hàng cá chẽm của Việt Nam đến các quốc gia khác. Bởi, nếu không có sự đồng hành chung tay của các cấp, bộ, ngành, con cá chẽm sẽ không bao giờ “lớn” và không bao giờ vươn xa ra thị trường thế giới được. 

Hiến kế giải pháp phát triển nuôi cá chẽm theo anh Dũng, vấn đề là làm sao để kiến nghị Bộ NN&PTNT xác định con cá chẽm là đối tượng nuôi chủ lực của nghề nuôi biển, có khả năng bù vào sản lượng khai thác biển, để có cơ chế, chính sách cũng như giải pháp phát triển phù hợp với vai trò đối tượng mũi nhọn. Anh Dũng cho biết thêm: “Khi thị trường xuất khẩu được đẩy lên rồi, có tín hiệu rồi thì một loạt các vấn đề về sau tự thân nền kinh tế trong nước sẽ điều tiết. Tôi lấy ví dụ như ngân hàng, họ sẽ nhìn thấy cơ hội, doanh nghiệp cá tra, doanh nghiệp giống nhìn thấy cơ hội họ sẽ điều tiết một phần nguồn vốn, cơ sở sản xuất… sang con cá chẽm”. 

An Xuyên

ÔNG MÃ CHÍ THỌ, TRƯỞNG PHÒNG KINH TẾ THỊ XÃ VĨNH CHÂU, SÓC TRĂNG 

Cần ổn định thị trường tiêu thụ 

Ở Vĩnh Châu, ngoài con tôm nước lợ, chúng tôi xác định con cá chẽm cùng với cá kèo là đối tượng nuôi chủ lực. Tuy nhiên, do giá cả của 2 đối tượng nuôi này thường không ổn định, nên diện tích nuôi hàng năm cũng có sự biến động khá lớn. Hơn nữa, nuôi cá chẽm chi phí cũng lớn không thua gì nuôi tôm nước lợ, nên chỉ có một số hộ có tiềm lực tài chính lớn, diện tích đất rộng mới có điều kiện thả nuôi. Hiện, cá chẽm chủ yếu được nuôi ở xã Hòa Đông với diện tích dao động hàng năm từ vài chục đến trên 100 ha. Vĩnh Châu là địa phương giáp biển nên rất thuận lợi trong việc phát triển đối tượng nuôi biển như con cá chẽm, cá kèo hay cá dứa. Vì vậy, chỉ cần thị trường ổn định, nghề nuôi cá chẽm ở Vĩnh Châu sẽ phát triển mạnh hơn bất cứ vùng nào trong tỉnh. 

BÀ ĐÀO THỊ THANH, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG NGHIỆP VỤ KHUYẾN NÔNG VÀ HỖ TRỢ NÔNG DÂN (TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU) 

Đối tượng nuôi rất tiềm năng 

Cá chẽm là đối tượng có chất lượng thịt thơm ngon và nguồn giống chủ động sản xuất tại các trại giống trong tỉnh. Cá chẽm nuôi được ở các vùng nước mặn, lợ có khả năng thích nghi với nhiều hình thức nuôi như nuôi lồng bè, nuôi trong ao công nghiệp, nuôi theo hình thức quảng canh… Với quy trình nuôi cá chẽm sử dụng thức ăn công nghiệp, phòng và trị bệnh bằng vitamin và vi sinh đường ruột, sẽ giúp tăng tỷ lệ sống, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất và người tiêu dùng. 

ANH VÕ ĐIỀN TRUNG DŨNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ĐẠI NGƯ NGHIỆP 

Bốn khó khăn cản trở sự phát triển 

Thứ nhất, chủ yếu là nằm ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, dẫn đến có sự chồng chéo, kéo theo tình trạng thừa, thiếu cục bộ đã từng xảy ra thời gian qua. Hệ quả là giá cá không ổn định, khiến doanh nghiệp chưa thể chủ động thiết lập đơn hàng dài hạn với đối tác, dẫn đến xuất khẩu gặp khó, quay lại tác động đến giá cá trong nước. 

Thứ hai là vấn đề nguồn giống. Một khi chúng ta xác định nghề nuôi quy mô công nghiệp thì sản xuất giống cũng phải được nâng lên tầm sản xuất công nghiệp, thì mới có con giống đạt các tiêu chuẩn về giá thành, tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, độ đồng đều, giá thành hợp lý… Có thể nói, con giống hiện nay là nút thắt quan trọng của nghề nuôi biển. 

Thứ ba là vấn đề vốn. Vốn vay Ngân hàng NN&PTNT đa số là vốn ngắn hạn, lãi suất không ổn định. Hơn 10 năm làm nông dân, tôi nghiệm ra rằng với lãi suất 10 – 12% thì người nông dân sống không nổi với nghề. Do đó, chúng ta phải làm sao có cơ chế về lãi suất trong dài hạn thấp và cần có sự luân phiên dòng vốn xoay đều cho các đối tượng vay. 

Thứ tư là ngành nông nghiệp hiện chưa quan tâm đến con cá chẽm nhiều, nên chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển đối tượng này. Trong khi theo thống kê của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thì sản lượng cá chẽm cả nước hàng năm trên 100.000 tấn, cao nhất trong số các đối tượng nuôi biển. Vì vậy, chúng ta cần xác định lại vị trí của con cá chẽm trong lĩnh vực nuôi biển, để tập trung phát huy thế mạnh của loài thủy sản này nhiều hơn nữa. 

Xuân Trường – Trọng Hoàng

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *