Việt Nam quan ngại vì Brazil ra quy định “làm khó” cá tra, tôm
Sáng 27/1, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết văn phòng vừa có văn bản gửi Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva – Thụy Sỹ, đề nghị chuyển ý kiến quan ngại của Việt Nam với cơ quan đồng cấp Brazil tại WTO về các quy định của nước này vượt mức thông lệ quốc tế đối với các sản phẩm thủy sản (cá tra, tôm) nhập khẩu từ Việt Nam.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị đưa những nội dung quan ngại của Việt Nam với Brazil vào chương trình nghị sự của Ủy ban SPS (các biện pháp liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) phiên họp tháng 3-2021.
Cá tra Việt Nam đang gặp nhiều rào cản tại thị trường Brazil
Theo Cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản (Nafiqad, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Brazil có 4 quy định về nhập khẩu sản phẩm cá và tôm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ nhất, Brazil chỉ cho phép sử dụng phụ gia phosphate bên ngoài lớp mạ băng đối với sản phẩm thủy sản (bao gồm cá và tôm), trong khi tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm được Ủy ban CODEX ban hành thì phosphate được phép bổ sung vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến…
Thứ hai, Brazil ban hành mức giới hạn đối với các chỉ tiêu hóa lý (muối, tỉ lệ ẩm/protein, Kali…) đối với cá đông lạnh, trong khi CODEX và các quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá đông lạnh của Việt Nam như EU, Mỹ… không quy định.
Thứ ba, Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đối với sản phẩm tôm đã nấu chín và tôm thanh trùng (nhiệt độ cao hơn, thời gian dài hơn) nên đề nghị điều chỉnh lại theo thông lệ quốc tế.
Thứ tư, Brazil quy định cơ sở sản xuất phải tiến hành đăng ký sản phẩm với nội dung đăng ký bao gồm: thành phần sản phẩm, quy trình sản xuất và nhãn sản phẩm để cơ quan thẩm quyền Brazil phê duyệt trước khi xuất khẩu sang nước này. Để thực hiện quy định này, doanh nghiệp phải chờ đợi khoảng 1 tháng mới nhận được ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền Brazil. Trong khi đó, trên thế giới chưa có có quốc gia nào có quy định tương tự, gây tốn kém chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Một chuyên gia trong ngành thủy sản cho biết Brazil là thị trường tiềm năng của tôm, cá Việt Nam, nhất là cá tra. Tuy nhiên, những quy định riêng của thị trường này đã làm khó cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt những năm gần đây. Do đó, nếu tháo gỡ được các vướng mắc, cơ hội tăng xuất khẩu cá tra vào thị trường này rất lớn.
Bình luận gần đây