Việt Nam – Đan Mạch tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thủy sản

Sau khi Chương trình Hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam giai đoạn I (2000 – 2005) (FSPS I) kết thúc, Chương trình Hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam giai đoạn II (FSPS II) được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ, giai đoạn 2006 – 2012, tổng kinh phí khoảng 40 triệu USD.

FSPS II (2006 – 2012) đã đạt được thành công trong việc sản xuất thủy sản bền vững bằng cách nâng cao năng lực quản lý hành chính trong thủy sản; đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản, tăng cường kiểm soát chất lượng sau thu hoạch và tiếp cận thị trường. Đảm bảo tạo thêm công ăn việc làm cho dân cư tại những khu vực nghèo nhất thuộc 8 tỉnh chọn điểm (gồm Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Đăk Lăk, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, An Giang, Bến Tre và Cà Mau). Trong giai đoạn 2006 – 2012, tổng số người thoát nghèo là 8.637 người, 1 hộ nghèo tham gia tập huấn chương trình có thu nhập tăng từ 5,9 triệu đồng (2010) lên 8,4 triệu đồng (2012).

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định, FSPS II sau gần 8 năm thực hiện đã hỗ trợ ngành thủy sản trong việc cải thiện thể chế của ngành từ Trung ương tới địa phương; nâng cao kỹ năng quản lý cho cán bộ các cấp, xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá; tạo sinh kế, nâng cao thu nhập… Chương trình đã hoàn thành mục tiêu đề ra, Chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT đánh giá cao đóng góp của Chương trình vào sự phát triển của thủy sản Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp duy trì và phát huy kết quả đạt được. Thứ trưởng cũng trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đan Mạch đã liên tục hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trong những năm qua, và hy vọng Đan Mạch tiếp tục có những hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam để ngành thủy sản phát triển hơn nữa, trở thành ngành kinh tế qua trọng của Việt Nam.

Ngài Đại sứ John Nielsen chia sẻ, Hội nghị là dịp quan trọng để Việt Nam và Đan Mạch cùng nhìn lại chặng đường hợp tác gần 20 năm qua trong lĩnh vực thủy sản – một sự hợp tác thành công trên nhiều lĩnh vực. Hiện, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 6,1 tỷ USD. Đây là nền móng vững chắc để hai nước cùng bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng quan hệ đối tác thương mại vì lợi ích hai bên.

Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT đã trao Kỷ niệm chương và Bằng khen cho ngài Đại sứ John Nielsen cùng các cộng sự về những đóng góp quan trọng cho FSPS II.

Chương trình FSPS II (2006 – 2012) gồm 4 hợp phần: tăng cường năng lực quản lý hành chính thủy sản (Hợp phần STOFA), tăng cường năng lực quản lý khai thác thủy sản (Hợp phần SCAFI), phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững (Hợp phần SUDA) và tăng cường năng lực sau thu hoạch và marketing (Hợp phần POSMA). Với mục tiêu: các bộ phận cư dân nghèo ở nông thôn tham gia hoạt động nghề cá được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế bền vững của ngành thủy sản.  

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *