Vị thế và giá trị mới của thương hiệu thủy sản Việt
Bài học kinh nghiệm
Thời gian gần đây, giới kinh doanh rộ lên việc thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam, sản phẩm được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới năm 2019, bị đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và Australia. Sự việc gióng lên hồi chuông về vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu trong ngành nông nghiệp, vốn là một trong những mũi nhọn xuất khẩu của kinh tế Việt Nam.
Mới đây, phóng viên Thủy sản Việt Nam đã làm việc với một doanh nghiệp tên tuổi trong ngành thủy sản Việt Nam, về việc họ bị một công ty đăng ký trùng khoảng 20 nhãn sản phẩm trên thị trường. Việc này dẫn tới khách hàng khó phân biệt đâu là sản phẩm chất lượng của công ty có uy tín sản xuất. Tuy vậy, chính lãnh đạo nhiều công ty cũng thừa nhận rằng: “Để xảy ra tình trạng họ đăng ký tên sản phẩm, cũng một phần do chúng tôi có sơ suất trong khâu đăng ký nhãn mác sản phẩm”.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VASEP trong giai đoạn 2021 – 2025 là ưu tiên các hoạt động cho mục tiêu xây dựng thương hiệu tôm và cá tra Việt Nam. VASEP cũng nhiều lần kiến nghị khẩn trương xây dựng thương hiệu của cá tra Việt Nam. Bởi trước kia, cá tra Việt Nam ở vị thế độc tôn, chiếm tới 98 – 99% thị phần suốt 20 năm trên thị trường quốc tế, nhưng hiện các quốc gia Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… đang phát triển nuôi cá tra, thị phần cá tra Việt Nam chỉ còn chiếm 52% sản lượng cá tra của thế giới. Việc xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam là điều cần thiết.
Đẩy mạnh lĩnh vực chế biến
Sau một thời gian dài chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, ngành thủy sản Việt Nam đang chuyển sang thời kỳ sản xuất chế biến các sản phẩm trị giá gia tăng, đẩy mạnh công nghệ chế biến và quá trình này đòi hỏi phải chú trọng xây dựng các thương hiệu nhãn mác. Hay nhìn góc độ khác, chỉ có xây dựng các thương hiệu mạnh thì mới có thể đầu tư vào công nghệ chế biến sâu. Từ cường quốc xuất khẩu thô sang một cường quốc xuất khẩu sản phẩm chế biến chính là chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo thống kê, hầu hết doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn của Việt Nam, đều đã xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp. Ngoài ra, các sản phẩm truyền thống của địa phương cũng xây dựng chỉ dẫn địa lý như: nước mắm Phú Quốc, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long…; sản phẩm truyền thống địa phương thì xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: mắm thái Châu Đốc, nước mắm Đồng Hới… Chính nhờ xây dựng thương hiệu mà việc tiêu thụ các sản phẩm này trong thời gian qua khá thuận lợi.
Tuy vậy, việc xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế lại là vấn đề khá nan giải, khác với việc xây dựng thương hiệu của một tập đoàn hay một vùng địa lý. Theo các chuyên gia quốc tế, khó khăn là do việc sản xuất còn manh mún, chưa đồng bộ và chưa thống nhất theo những tiêu chuẩn chung. TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu tôm Việt thì tất cả doanh nghiệp tôm phải xây dựng thương hiệu và phải có đủ tôm sạch; khi còn nuôi trồng, sản xuất manh mún thì rất khó xây dựng thương hiệu chung.
Thương hiệu quyết định giá trị
Sao Ta là thành viên Tập đoàn PAN với doanh thu hàng năm gần 4.000 tỷ đồng (tương đương 160 triệu USD), đặc biệt quý III/2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng doanh thu thuần kỷ lục đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 45% so cùng kỳ năm trước. Sản phẩm tôm mang thương hiệu Sao Ta là thương hiệu tôm duy nhất trong số 283 sản phẩm được công nhận là thương hiệu quốc gia năm 2020. Kinh nghiệm của Sao Ta đó là không bằng lòng với việc bán được nhiều tôm có chữ “Made in Vietnam”, công ty này từng bước xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường thế giới, bắt đầu từ một quốc gia chủ lực, rồi lan dần hiệu ứng qua các quốc gia khác.
Việc xây dựng thương hiệu cũng giúp cho truy xuất nguồn gốc dễ dàng, giảm chi phí, hạ được giá thành. Các chuyên gia cho biết, tôm Việt Nam 90% là hàng sạch, nhưng đều phải chịu kiểm tra kháng sinh do chưa xây dựng được thương hiệu. Chi phí kiểm tra kháng sinh đã làm tăng hơn 10.000 đồng/kg tôm nguyên liệu. Theo ước tính của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (đơn vị xuất khẩu tôm thuộc top đầu thế giới), nếu lại bỏ khoản chi phí này, Việt Nam có thể tiết kiệm từ 7.000 – 10.000 tỷ đồng/năm.
Nuôi tôm bền vững
Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc nói: “Chúng ta đề cao thương hiệu tôm Việt, nhưng cứ vào mùa lại đi các nước mua tôm giống bố mẹ. Chẳng may họ gặp khó khăn không bán thì chúng ta lấy đâu ra tôm bố mẹ để sản xuất?”. Theo ông Văn, muốn xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, phải chủ động được tất cả các khâu mà trước hết là con giống. Vì thế Việt – Úc đầu tư mạnh vào việc phát triển giống tôm bố mẹ, không dựa vào nhập khẩu như trước kia. Chiến lược dài hạn của Tập đoàn Việt – Úc là đầu tư vào công nghệ, trong quy trình chuỗi khép kín từ tôm bố mẹ đến con giống, tôm thương phẩm đến bàn ăn để phục vụ người tiêu dùng. Chỉ khi đó thì khái niệm “tôm Việt” mới thật sự thuyết phục người tiêu dùng, trong thời đại mà truy xuất nguồn gốc tôm và an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
Các tỉnh, thành trọng điểm về nuôi tôm như Cà Mau, Bạc Liêu cũng ráo riết tạo dựng thương hiệu tôm riêng của địa phương mình, song song với nỗ lực từ doanh nghiệp. Cuối năm 2020, Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) đã ra đời, thu hút 70 thành viên doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, các tổ chức trong nước, tổ chức phi chính phủ của các quốc gia cùng tham gia. Liên minh sẽ thực hiện xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ đầu vào vật tư nuôi tôm, con giống chất lượng cao, đến chăm sóc, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Và Hiệp định EVFTA cũng đã mở ra “cơ hội vàng” cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, khi được chính thức bảo hộ và hưởng các ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu tại EU.
Nguyễn Anh
Bình luận gần đây