Vì sao chuỗi liên kết thất bại?

Vỡ mộng

Trong thủy sản, liên kết “bốn nhà” trong nuôi tôm được hình thành muộn nhất và thông tin mới nhất đã có doanh nghiệp tuyên bố là liên kết này thất bại.

Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước trong xuất khẩu thủy sản, cụ thể là mặt hàng tôm các lại, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Cà Mau đạt doanh thu về xuất khẩu thủy sản có thời điểm ở mức trên 755 triệu USD (năm 2014). Một con số khổng lồ và bằng doanh thu của nhiều doanh nghiệp khác cộng lại. Do đó, chuyện Minh Phú trở thành một trong những doanh nghiệp thủy sản đi tiên phong trong mối liên kết sản xuất theo chuỗi không có gì là lạ và sau khi Minh Phú tham gia vào chuỗi liên kết nuôi tôm, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm khác cũng áp dụng mô hình của “ông vua” tôm này.

chế biến tôm xuất khẩu tại tập đoàn thủy sản minh phú

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – Ảnh: MPC

Tuy nhiên, hiệu quả của việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp không thuận buồm xuôi gió như những dự định trước đó của doanh nghiệp. Trong một cuộc họp bàn về giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL vào cuối tháng 3, tại đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thừa nhận, mô hình chuỗi giá trị mà ở đó nông dân liên kết với doanh nghiệp đã thất bại. Thất bại này, là do nông dân không nhìn thấy lợi ích gì khi tham gia vào chuỗi giá trị; bởi họ cho rằng, tham gia chuỗi này chỉ có lợi cho doanh nghiệp nhiều hơn mà thôi.

 

Bất cập lợi ích

Nhìn lại những thất bại trong mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ thấy, sự thất bại của mô hình đều xuất phát từ căn nguyên cơ bản – đó là sự phân chia lợi nhuận không đều.

Thường trước mỗi vụ, doanh nghiệp và nông dân cùng nhau ký kết hợp đồng mua bán liên quan đến việc ràng buộc các bên trong việc phải mua vật tư nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật và kèm theo đó là ấn định giá bán của sản phẩm.  Nhưng, sau khi đến mùa vụ thu hoạch, hợp đồng đã ký kết giữa hai bên đã bị phá vỡ hoàn toàn. Đi liền với đó là việc bên này “chỉ trích”, “tố cáo”  bên kia. 

Nguyên nhân của mối rạn nứt là do giá bán. Theo một quy ước chung, đầu vụ sản xuất, doanh nghiệp và nông dân cùng ấn định một mức giá mua bán cho sản phẩm khi đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, nếu giá trong hợp đồng cao hơn giá thị trường thì doanh nghiệp là bên thoái thác và tìm cách kéo dài thời gian thu mua. Dĩ nhiên, lúc này, nông dân vốn được lợi vì giá bán theo hợp đồng cao hơn giá thị trường nên mừng nhưng không thấy doanh nghiệp đến mua hàng. Ngược lại, khi giá trong hợp đồng thấp hơn giá thị trường, doanh nghiệp là bên hưởng lợi, còn nông dân, thấy bất lợi vì giá thấp nên mang sản phẩm của mình bán cho doanh nghiệp khác chấp nhận mua theo giá thị trường. Lúc này, chẳng ai còn nhớ cái ôm hôn thắm thiệt, cái bắt tay chặt vào đầu vụ khi hai bên mới ký hợp đồng. Các bên chỉ còn chăm chú vào lợi ích của mình.

Quay lại câu chuyện của ông Quang chia sẻ ở trên sẽ thấy, nông dân chưa muốn tham gia vào chuỗi giá trị vì họ thấy mình bị thua thiệt. Như vậy, chuyện chuỗi sản xuất của con tôm đang đi lại vết xe đổ của lĩnh vực cá tra, lúa trước đây. Vì thế, nếu một khi lợi nhuận – lợi ích giữa các bên chưa được chia đều thì chuỗi giá trị trong sản xuất và chế biến tôm mà Bộ NN&PTNT đặt ra và mong muốn áp dụng sẽ chỉ dừng lại ở những phát biểu tại các hội nghị, chỉ dừng lại ở những giải pháp (trên giấy) hơn là áp dụng thực tế.

>> Doanh nghiệp hay cơ quan quản lý dù có đưa ra mô hình liên kết nào, áp dụng thành công của quốc gia nào trong chuỗi liên kết “bốn nhà” đi nữa, vấn đề mấu chốt ở đây là cần giải quyết là phân chia lợi nhuận. Nếu không giải được bài toàn này, chúng ta sẽ còn phải nhắc lại nhiều lần nữa về những mô hình liên kết thất bại.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *