Vì sao cá rô phi Trung Quốc thống lĩnh thị trường thế giới?
Lợi thế rẻ
Còn nhớ năm 2011, hàng loạt trại nuôi cá rô phi Nicaragua lâm vào cảnh khốn khó do không thắng nổi sức cạnh tranh quá lớn từ cá rô phi Trung Quốc. Trong cuộc chiến giành giật thị trường tiêu thụ Mỹ, EU tiềm năng, các nước Mỹ Latinh đành chấp nhận “lép vế”. Nhập khẩu fillet cá rô phi đông lạnh của Mỹ tăng 30%, trong khi đó, nhập khẩu fillet cá rô phi tươi sống từ Mỹ Latinh sụt giảm mạnh. Những sản phẩm cá rô phi Trung Quốc tung ra thị trường Mỹ được gọi là “sự tươi mới” do họ đóng gói bằng công nghệ sử dụng khí Carbon monoxide nhằm bảo quản màu sắc cá tự nhiên như vừa mới đánh bắt. Tại Managua, Nicaragua cá rô phi Trung Quốc đã tràn ngập các cửa hàng thực phẩm, lấn át cá rô phi nội địa của các nước này.
Tại thị trấn Shuixi, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nhiều nông dân nuôi gia cầm đã chuyển sang cá rô phi. Rô phi mang lại nguồn sống ổn định nên họ xác định gắn bó với nghề nuôi cá hàng thập kỷ. Tại khu vực này, trước khi nuôi cá rô phi, nông dân đã thử nuôi tôm, cũng là loại thủy sản người Trung Quốc ưa chuộng. Trước đây, người Trung Quốc không “mặn mà” với cá rô phi do đây là loài cá ngoại lai, xuất xứ châu Phi. Tuy nhiên, khi nhiều trại tôm thua lỗ do dịch bệnh lan nhanh, nhiều nông dân chuyển sang nuôi cá rô phi. Chen, một nông dân nuôi cá rô phi ở Shuixi nói: “Nuôi cá rô nhàn tênh, không tốn nhiều công của như nuôi tôm. Vả lại, khí hậu nhiệt đới ở vùng này đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi”.
Cá rô phi Trung Quốc có mặt tại nhiều siêu thị trong và ngoài nước – Ảnh: blogs.kged.org
Vượt qua nhiều lời cảnh báo về tác động xấu tới môi trường từ hoạt động nuôi cá rô phi của nhiều tổ chức quốc tế như chương trình Seafood Watch của Monterey Bay Aquarium, rô phi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Siêu thị Wal Mart thậm chí vẫn nhập khẩu gần 200 container cá rô phi mỗi tháng. Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh khí hậu thích hợp, con giống tốt là nhân tố khiến hoạt động nuôi cá rô phi Trung Quốc liên tục thắng lớn. Tại Đại học Đại dương Thượng Hải, các nhà khoa học vẫn miệt mài tập trung nghiên cứu để tìm ra giống cá rô phi tốt. Li Sifa là một trong số những nhà nghiên cứu về di truyền học trên cá rô phi nổi tiếng tại đây. Ông được tôn vinh là “cha đẻ của ngành cá rô phi” nhờ phát triển ra giống cá lớn siêu nhanh, trở thành xương sống của ngành công nghiệp cá rô phi Trung Quốc, sản lượng xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn/năm. Li nói, giống tốt đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp hoạt động nuôi phát triển tốt, vững mạnh, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Sản phẩm giá trị gia tăng
Quảng Đông nổi tiếng là thành phố đầy bụi khói và ô nhiễm do khí thải công nghiệp nhưng phía Tây Nam thành phố này, cách trung tâm tỉnh 200 dặm lại là một ốc đảo xanh mướt, ngập tràn nông trại chuối, mía và ruộng lúa. Không giống như cá hồi nuôi, cá rô phi Trung Quốc lớn nhanh như thổi mà không cần tới thuốc kháng sinh phòng bệnh. Nhiều hãng truyền thông phương Tây từng tung tin ao nuôi cá rô phi và nhiều loại thủy sản của Trung Quốc bị ô nhiễm nặng, đầy rong và tảo. Điều đó có thể đúng ở một số địa phương sâu trong đại lục, đặc biệt là các trại nuôi cá chình, nuôi lươn. Nhưng trại nuôi cá rô phi ở Tây Nam Quảng Đông thì lại sạch đến đáng kinh ngạc.
Nếu cá rô phi nuôi ở khu vực ô nhiễm, thịt cá sẽ không giữ được hương vị tự nhiên mà đậm mùi bùn. Người tiêu dùng Mỹ không chấp nhận loại thực phẩm có mùi khó chịu. Nông dân nuôi cá như Chen đều hiểu rõ điều này, bởi vậy, họ giữ ao nuôi sạch, mùi vị tự nhiên của cá rô phi không bị phá hủy. Muốn ao sạch, phải cần nhiều nước. Nhưng Chen không quá lo lắng tới vấn đề nguồn nước vì nước nuôi cá của các hộ ở đây được dẫn về từ một kênh nước sạch riêng gần đó. Nguồn nước này do chính quyền địa phương quản lý và cấp miễn phí cho nông dân. Chương trình này nằm trong chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản của chính phủ, song song với chương trình miễn thuế và nhiều trợ cấp khác.
Cá rô phi là loài nuôi quan trọng – Ảnh: Oceanexecutive
Khai thác thủy sản quá mức đang làm nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, chắc chắn, nuôi trồng thủy sản sẽ là giải pháp tốt để bù lại sự thiếu hụt nguồn thực phẩm tự nhiên. Giáo sư Kevin Fitzsimmons (Đại học Arizona, Mỹ) khẳng định, cá rô phi vượt qua tất cả các loại cá nuôi khác, giữ ngôi vị quan trọng nhất trong việc cung cấp và ổn định thực nguồn thực phẩm cho thế giới. Con cá này lớn rất nhanh, hương vị tự nhiên, thích hợp với mọi nhu cầu sử dụng. Tại thị trường Mỹ, EU, người tiêu dùng đang hướng tới sản phẩm giá trị gia tăng từ cá rô phi. Khởi đầu là những sản phẩm túi ví, dép xỏ ngón được làm từ da cá rô phi tại Brazil, Thái Lan Trung Quốc cũng học hỏi và làm theo. Ngoài ra, quốc gia này còn làm đa dạng sản phẩm xuất khẩu với nhiều mặt hàng như fillet cá tẩm bột, lườn cá… có thể làm chín bằng lò vi sóng, ăn kèm nước sốt, khá tiện lợi và hợp khẩu vị người châu Âu.
Với người nông dân Trung Quốc như Chen, cá rô phi là tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu tiêu thụ cá rô phi bùng nổ tại thị trường Mỹ, EU thúc đẩy ngành nuôi cá rô phi phát triển mạnh ở Trung Quốc. Hàng trăm trung tâm nhân giống đua nhau mọc lên, cùng trại nuôi, nhà máy chế biến thức ăn, nhà máy chế biến cá. Cũng không ngạc nhiên khi Trung Quốc nhanh chóng trở thành một siêu cường về nuôi và xuất khẩu cá rô phi.
Bình luận gần đây