Vẫn thấp thỏm khi giá tôm nguyên liệu quay đầu tăng

Cầu tăng, cung giảm

Sau nửa năm đủng đỉnh vì số đơn hàng giảm mạnh, đến đầu tháng 7, các doanh nghiệp ngành tôm đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, dù giá bán chưa tăng nhiều như kỳ vọng, nhưng số lượng đơn hàng thì tăng lên đáng kể. Do đó, ngay từ khi bước vào tháng 7, Công ty Sao Ta đã bắt đầu tăng công suất chế biến, để kịp tiến độ giao hàng từ nay đến cuối năm.

Giá tôm đã tăng trở lại nhưng người nuôi vẫn dè dặt thả giống. Ảnh: Văn Dương

Ông Đặng Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Công ty Camimex cho biết: Sau thời gian xả hàng, đến hết tháng 6, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đã giảm đáng kể, trong khi mùa tiêu thụ cao điểm dịp lễ, tết cuối năm đang cận kề, nên họ cũng tranh thủ nhập thêm hàng mới. Nhu cầu nhập khẩu tôm đang tăng trở lại, nên nhu cầu tôm nguyên liệu của các nhà máy, từ nay đến cuối năm vì thế cũng sẽ tăng theo.

Trong khi nhu cầu tôm nguyên liệu đang tăng lên từng ngày, thì nguồn cung hiện đã giảm mạnh, do nhiều nông dân đã ngưng thả giống sau thời gian dài giá tôm xuống dốc. Ở Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, chỉ mới có 40.330 ha được thả nuôi. Hiện số diện tích đang còn tôm chỉ hơn 21.000 ha, được thả nuôi qua nhiều thời gian khác nhau.

Tại Bạc Liêu, nơi giá tôm thấp nhất trong hơn 3 tháng qua, đã khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ, kể cả các hộ nuôi tôm công nghệ cao, thì hiệu quả cũng không khả quan hơn. Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, thời gian qua, hầu như thu hoạch tôm kích cỡ nào cũng lỗ, nên nhiều hộ đã ngưng nuôi chờ giá tăng. Do đó, dự báo lượng cung tôm nguyên liệu ra thị trường sắp tới sẽ còn hạn hẹp hơn nữa.

Giá tôm lên từng ngày

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, giá tôm đã tăng trở lại ở hầu hết các kích cỡ. Thậm chí có ngày tăng 2 – 3 giá trên cùng một cỡ tôm. Ông Phục chia sẻ: “Hiện nhà máy nào cũng trong giai đoạn tăng công suất chế biến, nên cũng đồng nghĩa với việc tăng thu mua tôm nguyên liệu. Để tránh thiếu hụt lượng chế biến, kể cả những nhà máy có nguồn tôm dự trữ lớn cũng phải mua vào mỗi ngày, một khi thị trường phục hồi mạnh trở lại dịp cuối năm”. Không chỉ có sự cạnh tranh tôm nguyên liệu giữa các nhà máy, sự sôi động trở lại của thị trường tôm gần đây, còn có sự tham gia của đội ngũ thương lái thu mua tôm tươi vận chuyển ra tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc.

“Tới đây, giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm, do lượng tôm các tỉnh không còn nhiều, trong khi nhu cầu từ các nhà máy liên tục tăng, để đáp ứng các đơn hàng dịp Noel, Tết dương lịch hay các dịp lễ khác cuối năm. Do đó, nếu nhà máy nào không có nguồn tôm dự trữ đủ lớn, chắc chắn sẽ gặp khó, khi giá tôm nguyên liệu trong nước tăng lên” – ông Phục cho biết thêm. Tuy giá tôm đã tăng trở lại hơn 2 tuần nay và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng nhìn chung người nuôi tôm vẫn hết sức e dè, trước câu hỏi: Có nên thả nuôi đón giá hay không?

ÔNG TRẦN TRƯỜNG GIANG, GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TRÀ VINH

Thả nuôi theo hình thức rải vụ

Hiện nay, lượng tôm cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với một số nước có sản lượng tôm cung cấp lớn như Ấn Độ, Ecuador… đã giảm do tạm ngừng việc thả nuôi. Tình hình lạm phát ở một số thị trường đầu ra dần phục hồi nên tiềm năng và mức tiêu dùng đối với mặt hàng tôm dự đoán sẽ tăng trong thời gian tới. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT Trà Vinh khuyến cáo người dân không nên treo ao khi đã chuẩn bị sẵn sàng, mà nên thả nuôi theo hình thức rải vụ, thả nuôi ở mật độ thưa để đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật, tiết kiệm chi phí và dự đoán nhu cầu thị trường khi giá tôm tăng sẽ có nguồn tôm nguyên liệu để cung cấp.

ÔNG LƯU HOÀNG LY, GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT BẠC LIÊU

Hướng tới quy trình nuôi hiệu quả, bền vững

Về lâu dài, nông dân nuôi tôm Bạc Liêu cần phải hướng đến các quy trình nuôi tôm mang tính hiệu quả, bền vững. Theo đó, người dân nên có những lộ trình, kế hoạch theo mùa vụ khuyến cáo của các cơ quan, ban ngành. Đồng thời, phải có cách làm mới, phù hợp với thực tiễn của địa phương, kinh tế hộ gia đình; áp dụng công nghệ mới để đưa vào quá trình vận hành, tối ưu hóa chi phí trong nuôi tôm. Như vậy mới đảm bảo có lãi, đầu ra ổn định, bền vững; qua đó, góp phần đảm bảo lộ trình đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước.

Người nuôi vẫn dè dặt

Nhiều nguyên nhân khiến người nuôi tôm chưa muốn thả nuôi tiếp vụ mới. Theo tìm hiểu của phóng viên Đặc san Con Tôm, có khoảng 60 – 70% số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ thiếu vốn, nhưng họ không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, mà phần lớn trong số này mua nợ vật tư đầu vào từ đại lý. Tuy nhiên, do giá tôm giảm mạnh, kéo dài, việc thu hồi nợ khó khăn, nên đến nay các đại lý cũng thu hẹp khoản đầu tư này, kể cả khi người nuôi đã có tôm về cỡ 100 con/kg, cũng chưa chắc có đại lý nào dám đầu tư.

Cái khó nữa là hiện vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL đã bước vào mùa mưa, độ mặn tại hầu hết nguồn cấp, đã không còn phù hợp cho việc thả giống. Chưa hết, đây cũng là thời điểm mà theo kinh nghiệm người nuôi, tôm rất dễ bị nhiễm EHP, phân trắng, khiến tôm chậm lớn, chi phí cao. Bên cạnh đó, người nuôi chưa mặn mà với vụ nuôi mới, bởi giá tôm cỡ nhỏ (70 – 100 con/kg) tuy có tăng, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Trong khi đây là chính là kích cỡ tôm phổ biến đối với những hộ nuôi ao đất.

Mặc dù đa số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ không muốn thả nuôi tiếp, thì những hộ nuôi tôm ao bạt 2 – 3 giai đoạn lại đang rục rịch cho đợt thả tôm mới, với hy vọng sẽ gỡ gạc lại phần nào cho cả vụ tôm này. Tuy nhiên, phần lớn họ cũng rất thận trọng, không thả nuôi hết diện tích, chỉ thả nuôi một phần mang tính thăm dò và nuôi với mật độ thưa hơn, để nuôi về kích cỡ lớn bán giá cao.

Anh Nguyễn Văn Quý, một đại lý thu mua tôm ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết, giá tôm đã tăng lên khá nhiều, có tuần tăng đến 15.000 đồng/kg, còn bình quân khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg. Riêng tôm thẻ chân trắng (TTCT) loại 20 con/kg hiện có giá 180.000 đồng/kg trở lên, nên người nuôi hiện có xu hướng thả thưa hoặc thu tỉa để nuôi về size này.

Khi chúng tôi đặt vấn đề TTCT loại 100 con/kg giá chưa hấp dẫn, khiến người nuôi chưa mạnh dạn thả nuôi, anh Quý xua tay: “Theo tôi, chủ yếu là do họ thiếu vốn, hoặc vùng nuôi không còn đủ độ mặn, chứ giá tôm hiện tại thì đã có lời rồi. TTCT kích cỡ 100 con/kg, hiện cũng đã lên mức 85.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu nuôi đạt đầu con, đạt năng suất cao, thì người nuôi có lời khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg”.

>> Do phần lớn các nhà máy chế biến của Việt Nam đều tập trung vào phân khúc thị trường giá trị gia tăng, nên TTCT cỡ 30 – 70 con/kg sẽ có sức tiêu thụ mạnh hơn và giá tới đây sẽ còn tiếp tục tăng. Đến giữa tháng 8 này, giá TTCT đã tăng 5.000 – 20.000/kg so với cuối tháng 7, tùy kích cỡ”, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ.

An Xuyên

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *