Úc, Brazil cảnh báo thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đã thông báo lô hàng cá điêu hồng đông lạnh của Công ty CP Sài Gòn Food (DL 366) xuất khẩu vào Úc bị phát hiện nhiễm kháng sinh Enrofloxacine. Do đó, phía Úc sẽ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng thủy sản được sản xuất bởi DL 366 khi xuất khẩu vào Úc.
Trước tình trạng này, Nafiqad yêu cầu DL 366 nghiên cứu quy định của Úc về mức giới hạn các chỉ tiêu an toàn thực phẩm để thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời, rà soát toàn bộ hồ sơ quản lý sản xuất để việc xác định nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm; thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản; lập báo cáo giải trình về Nafiqad trước ngày 20/6.
Chế biến cá tra xuất khẩu – Ảnh: Internet
Ngoài ra theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad, mới đây, Nafiqad cũng nhận được Công hàm 39/16 của Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam, thông báo lô hàng cá tra phi lê đông lạnh sản xuất bởi Công ty CP Thủy sản Me Kong (DL 183) bị Cơ quan thẩm quyền Brazil cảnh báo thông tin về dinh dưỡng trên nhãn của sản phẩm vi phạm Quyết định RDC ANVISA SỐ 359/2003 của Brazil.
Theo quy định của Brazil, khẩu phần của cá tra phi lê đông lạnh phải được thể hiện bằng đơn vị gam, các nội dung trong bảng dinh dưỡng, ví dụ như muối, phải mô tả dưới dạng trọng lượng/gam để có thể thấy được biểu so sánh.
Các sai lỗi trên không được phát hiện trong nhãn số 0003/DL 183 đã được Cục Thanh tra các sản phẩm có nguồn gốc động vật (DIPOA) phê duyệt. Do vậy, phía Brazil yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại đăng ký nhãn theo các quy định của Brazil gửi cho DIPOA để cập nhật lại nhãn.
Thời gian qua, việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không tuân thủ theo hướng dẫn, quy định đã dẫn đến tồn dư trong sản phẩm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tạm dừng nhập khẩu. Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập này, ngày 30-5, Bộ NNN&PTNT đã ban hành chỉ thị số 4361/CT – BNN- TY về việc tăng cường công tác thú y trong thủy sản.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần tổ chức thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, phế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản…
Cục Thú y cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ để tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm, cá tra giống, cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu…
Đối với Nafiqad, Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp với Cục Thú y và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để tháo gỡ các khó khăn, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản; tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh.
Bình luận gần đây