Tự trồng và chăm sóc Dâu Tây đơn giản tại nhà
Bạn muốn tự trồng các loại rau củ và cây ăn trái nhưng chưa thể thực hiện vì không có vườn hay nhà chật. Dưới đây là hướng dẫn tỉ mỉ từng bước trồng dâu tây trong cả không gian chật hẹp cũng có thể thành công.
1. Chọn chậu và giống cây
Loại thích hợp: chậu dài, máng dài để có thể lên luống nhỏ và dài; chậu treo.
– Ưu điểm khi trồng dâu tây trong chậu máng
+ Quả dâu sẽ được thả sang hai bên chậu, không tiếp xúc với mặt đất, chất lượng và màu sắc quả sẽ tốt hơn. Dễ trồng, chăm sóc và tưới bón.
+ Thuận tiện cho dâu phát triển và đẻ nhánh (dâu tây là giống cây chia nhánh bẵng cách ra các mầm lan mặt đất và ra rễ).
+ Có thể tận dụng được những diện tích nhỏ khi treo lên theo diện tích thẳng đứng thì cùng một diện tích có thể bố trí từ 4 – 5 chậu.
Giống cây
Bạn có thể trồng cây bằng cách tự ươm hạt hoặc mua sẵn cây con về trồng. Trong bài này chúng tôi sẽ hướng dẫn cách trồng cây bằng cây con mua sẵn.
Giá hạt giống dâu tây từ 25.000 đồng/ túi khoảng 30 hạt. Cây con khoảng 80.000 đồng/ cây giống Nhật hoặc New Zealand. Bạn có thể mua hạt và cây con ở các shop online hay các viện nghiên cứu.
2. Vị trí nên trồng:
– Dâu tây ưa ẩm và chịu hạn rất kém. Nhiệt độ tốt nhất để cây dâu phát triển là từ 7-30 độ. Bạn nên trồng cây ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng bởi nếu thiếu nắng cây sẽ vàng lá, phát triển chậm và không cho quả, nhưng thời gian chiếu sáng không quá 12 Giờ/ ngày. Tránh để cây nơi có ánh đèn vào buổi tối bởi cây sẽ phát triển mạnh nhưng không ra trái.
– Vị trí thích hợp có thể tham khảo: cửa sổ, ban công chỉ nắng vào buổi sáng hoặc chiều. Nếu trồng ngoài trời hoặc trong vườn nên trồng dưới bóng những cây to nhưng vẫn có nắng ở mức độ vừa phải và có thể giữ ẩm tốt.
3. Đất trồng:
– Bạn nên dùng loại đất tơi xốp, có thể dùng đất thịt và thỉnh thoảng xới đất cho cây. Có thể dùng đất tribat hoặc dùng đất thường trộn thêm phân bón và xơ dừa, chấu để đất tơi xốp lâu, luôn luôn ẩm, giữ ẩm tốt, nhiều chất dinh dưỡng, có thể bón phân bổ sung.
– Trước khi trồng cây có thể trộn thêm phân bón hoặc phân bón lót với số lượng ít để giúp cây có đà phát triển tốt. Có thể trộn thêm phân chuồng đã ủ hoai, sơ dừa, cho chấu cùng với đất để đất tơi xốp lâu hơn.
– Sau mỗi vụ thu hoạch quả hoặc cây đẻ nhánh nên xới đất xung quanh cho cây, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng cách bón thêm phân.
– Do tính chất ưa ẩm của cây dâu và quả thường mọc thấp nằm trên mặt đất nếu ta trồng bằng chậu tròn nên có thể phủ lên 1 lớp rơm trên bề mặt xung quanh gốc và phía dưới quả vừa giữ ẩm tốt vừa nâng đỡ cho quả.
4. Tưới nước:
Dùng nước thường tưới vào buổi chiều khi nắng đã tắt, tưới thật ẩm đất, nếu đất của bạn giữ ẩm kém có thể tưới thêm 1 lần vào buổi sáng. Có thể tận dụng nước vo gạo tưới cho cây, nước gạo sẽ lên men trong đất giúp cây phất triển tốt. Tuy nhiên chỉ tưới nước gạo nếu cây trồng được 1 tuần. Không tưới khi cây chưa bám rễ.
5. Chăm sóc sau trồng:
– Mới trồng: Cây thường héo do mới tách hoặc do đứt rễ khi trồng, do vậy bạn nên dùng bìa, xốp, … che nắng cho cây trong vòng 2-3 ngày đầu. Nhớ thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm.
– Sau 1 thời gian ngắn cây phát triển rất nhanh và cho quả hoặc ra nhánh:
+ Ra hoa, quả: Bạn cần chú ý diệt kiến vì chúng tấn công cây rất nhanh, ăn hết quả kể cả khi quả còn xanh. Nếu trồng bằng chậu dài nên hướng cho quả ra phía thành chậu, quả sẽ phát triển đều và dễ theo dõi tránh sâu bọ.
Nếu trồng bắng chậu tròn thì bạn nên tìm que chống quả cách biệt với mặt đất. Nếu 1 cành ra quá nhiều hoa, quả con nên ngắt bớt để số lượng tối đa là 3 quả thì cây mới có thể tập chung nuôi và chất lượng quả tốt. Nếu để nhiều quả cũng tự chột và đen vừa mất chất nuôi dưỡng của cây mà nhưng quả khác cũng không được phát triển đầy đủ.
+ Ra nhánh: Sau khi cây đã mọc ổn định và đủ chất cây sẽ ra mầm, khi mầm phát triển tốt mọc dài đến mức cần và đủ sẽ tự đâm rẽ để tạo cây con mới. (đây là lúc vườn dâu phát triển hơn và có thể tách cây để tạo một chậu trồng mới).
Chú ý khi đầu mầm (nhánh) có phần rễ trắng đâm ra khoảng 0,5cm nên tìm đất cho nhánh cắm rễ, sau 1 thời gian sẽ thành cây độc lập. Chú ý tuyệt đối không tách nhánh khỏi cây mẹ ngay mà nên chờ nhánh có thể phát triển độc lập rồi mới tách vì ban đầu nhánh vẫn phải phụ thuộc vào cây mẹ do chưa tự nuôi được.
Khi nhánh đã thành cây con có thể đánh để tạo chậu mới, gây giống… lúc này đã có thể cắt dây nối giữa nhánh và cây mẹ hoặc không tùy mục đích của bạn.
Nếu chịu khó chăm sóc từ 5 – 6 cây con sau 3 đến 4 tháng bạn sẽ thấy thay đổi rất nhiều. Cây có thể cùng lúc cho ra nhánh và ra quả: trong trường hợp này cứ để cây con phát triển bình thường, tuyệt đối không đánh cây vào lúc này sẽ gây chột quả và chết cây. Sau khi hái quả, đánh cây như bình thường.
6. Phân bón
– Dùng phân bón có bán sẵn tại các của hàng vật tư nông nghiệp.
– Sử dụng phân gà đã ủ hoai trộn lẫn với đất với lượng vừa phải, không được lạm dụng bón quá nhiều vì sẽ gây nóng và chết cây.
– Không bón phân chưa được ủ hoai bởi có nhiều vi khuẩn, dễ khiến cây xót và bị chết.
7. Khi cây bị sâu Bệnh và vàng lá
– Tìm và diệt sâu bằng các loại thuốc chuyên có bán tại các của hàng vật tư nông nghiệp.
– Phun thuốc diệt côn trùng nhưng không nên ăn quả ngay sau phun, không phun lúc quả đang chín.
– Lá vàng: cây thiếu chất, thiếu nắng, thiếu nước.
– Cây mọc quá dầy: tỉa bớt lá già, tách cây con trồng chậu mới.
8. Quả và cây con
Ra quanh năm nhưng nhiều vào mùa mưa, do có độ ẩm cao. Chất lượng quả phụ thuộc chất đất, giống cây, cách chăm sóc, thời tiết. Quả mùa hè thường ngọt hơn nhưng nhỏ hơn. Nếu quá nhiều nắng quả bị táp, có màu vàng cam, sạn vỏ và không phát triển. Mùa đông quả to hơn nhưng cũng chua hơn. Có thể dùng để ngâm đường làm mứt, làm mặt nạ chăm sóc sắc đẹp.
Bình luận gần đây