Trung Quốc: Xem xét tạm dừng nhập khẩu thủy sản của 10 quốc gia châu Á

Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ áp dụng các hạn chế nhập khẩu thủy sản đối với một số quốc gia châu Á trong bối cảnh COVID-19 bùng phát mới nhất ở tỉnh Quảng Đông do biến thể virus ở Ấn Độ.

Cụ thể, Cảng Trạm Giang thông báo: Sẽ không chấp nhận các đơn hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ các quốc gia, bao gồm: Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Mông Cổ. Các quốc gia khác vẫn nhập khẩu bình thường. Tuy nhiên, Công ty Cảng Quốc tế Trạm Giang vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào về các hạn chế nhập khẩu.

Hội chợ Triển lãm sản phẩm NTTS Quốc tế Trung Quốc dự kiến tổ chức tại Trạm Giang vào ngày 18 – 20/6/2021 đã bị hoãn do tình hình COVID-19 và các biện pháp chống dịch quốc gia. Trạm Giang từng được mệnh danh là “thủ phủ tôm” của Trung Quốc, nhưng ngày nay, các nhà chế biến tôm địa phương có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ. Các nhà chế biến tôm ở đây lo ngại rằng các hạn chế nhập khẩu sắp tới sẽ gây ra sự gián đoạn lớn cho các công ty chế biến trong khu vực.

Ngoài Trạm Giang, các nhà chế biến thủy sản quy mô nhỏ ở các thành phố lân cận như Mã Minh, Chu Hải và Giang Môn cũng gặp khó khăn do chi phí nguyên liệu thô cao và giá thấp hơn. Một số nhà máy nhỏ đã ngừng thu mua, thậm chí tạm ngừng chế biến.

Tại cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến, ngành chức năng đã tạm thời ngừng tiếp nhận các container nặng từ ngày 25 – 30/5/2021 sau khi phát hiện các ca COVID-19 trong khu vực, dẫn đến hơn 20.000 container xuất khẩu tồn đọng tại chỗ. Ngoài ra, các cơ quan y tế cũng đã tăng cường kiểm tra thuỷ hải sản đông lạnh nhập khẩu tại chợ thủy sản Hoàng Sơn – chợ lớn nhất ở Quảng Châu. Các nhà bán lẻ thủy sản dự đoán nhu cầu đối với cá và tôm đông lạnh nhập khẩu sẽ giảm trong thời gian ngắn.

Kể từ mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã nhiều lần phát hiện virus corona trên bao bì thủy sản đông lạnh nhập khẩu. Năm 2020 nhập khẩu thủy sản nước này giảm 20% do virus corona khiến người tiêu dùng sợ hãi.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *