Trung Quốc: Đìu hiu thị trường thủy sản mùa lễ

Nhu cầu tôm không đạt kỳ vọng

Trong suốt 8 ngày lễ Trung Thu và Quốc Khánh từ 29/9 – 6/10, Trung Quốc ghi nhận 826 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 71,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ du lịch đạt 753,4 tỷ CNY (103,2 tỷ USD), tăng 129,5%. Các nhà bán lẻ và cung cấp dịch vụ báo cáo doanh thu tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sức tiêu thụ tôm trong những ngày lễ sụt giảm mạnh so với mức dự kiến đã tác động trực tiếp đến doanh số bán hải sản, một mặt hàng vốn được tiêu thụ mạnh mẽ trước các lễ hội lớn như Quốc khánh. Cùng đó, kênh dịch vụ ẩm thực cũng không sôi động với lượng thực khách tăng vọt như nhiều năm trước. 

Trung Quốc nhập khẩu 83.807 tấn tôm đông lạnh trong tháng 8/2023, giảm 12% so cùng kỳ. Ảnh: CNN

Nhiều chuỗi dịch vụ ẩm thực có cơ hội phục hồi dần sau COVID-19, nhưng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ lẻ và không theo chuỗi gần như “sập” hoàn toàn. Theo thống kê chính thức, lượng tiêu thụ tôm nói riêng và hải sản nói chung trong lễ Quốc khánh năm nay giảm xuống dưới mức trung bình. Nhiều cửa hàng ế ẩm, doanh thu sụt giảm chóng mặt. 

Đáng nói, xu hướng ảm đạm, cụ thể là cầu đi xuống vẫn tiếp diễn ngay sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh. Thực trạng này đã tác động đáng kể lên giá bán tôm thẻ chân trắng nội địa của Trung Quốc vốn cũng đang rớt giá liên tục. Nhiều cửa hàng kinh doanh tôm thẻ thua lỗ nặng trong khi các công ty nhập khẩu tôm chỉ hy vọng hòa vốn đã là may mắn trong bối cảnh thị trường khó khăn. 

Hầu hết các nhà nhập khẩu thủy sản Trung Quốc đang thận trọng hơn và tạm dừng kế hoạch đặt hàng kế tiếp để quan sát mọi diễn biến thị trường. Một số nhà nhập khẩu từng lên kế hoạch đặt hàng trước đó, nhưng sau mùa lễ Quốc khánh ảm đạm, họ đã đồng loạt hủy đơn hàng. Điều này cho thấy thị trường tôm thẻ chân trắng còn tiếp tục đối mặt khó khăn và bất ổn trên quy mô toàn cầu. 

Cá hồi ế ẩm

Thật khó đưa ra con số tăng trưởng hoặc sụt giảm chính xác bởi thời điểm này năm ngoái Trung Quốc đang trong tình trạng “đóng cửa” vì chính sách “zero covid”. Cũng bởi thị trường đặt quá nhiều kỳ vọng vào sức mua trong kỳ nghỉ lễ kéo dài, nên trước đó các nhà cung cấp đã trữ một lượng lớn cá hồi. Nguồn cung quá lớn tất yếu dẫn đến giá giảm. 

Một nhà hàng cá hồi tại trung tâm thương mại MixC Shenzhen. Ảnh: Sorbis/Shutterstock

Theo ông Dennis Cai, Giám đốc điều hành Tập đoàn nhập khẩu cá hồi Chunner, lượng tiêu thụ cá hồi vẫn ở mức khá trong 3 – 4 ngày đầu trước Tết Trung Thu, nhưng kể từ chính lễ (ngày 29/9) trở đi, doanh số bắt đầu giảm nghiêm trọng. Các quầy cá hồi tại hệ thống siêu thị và nhà hàng vắng bóng thực khách, sức mua đạt chưa tới 50% so với mọi năm. 

Ông Cai cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến thị trường thủy sản đìu hiu mùa lễ. Trước hết phải kể đến nền kinh tế ảm đạm đã kéo sức mua giảm sâu. Thứ 2 là tác động nghiêm trọng của sự kiện Nhật Bản xả thải nước nhiễm hạt nhân đã qua xử lý ra đại dương khiến người tiêu dùng thận trọng hơn khi mua thủy hải sản. Thứ 3 là sau khoảng thời gian “ngột ngạt” với dịch bệnh, người dân Trung Quốc đã tận dụng kỳ nghỉ dài để đi du lịch, khiến nhu cầu dịch vụ thực phẩm nội địa giảm. Ngoài ra ông Cai tin rằng nhu cầu cá hồi sẽ tăng vào giữa tháng 12.

Tuấn Minh – An Vy

(Theo Seafoodnews, Undercurrentnews)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *