Trung Quốc: Biến động thị trường đầu năm

Giá tôm tăng đột biến

Giá tôm tôm sú cỡ đại đã tăng từ trên 70 yuan/jin (1 jin = 0,5 kg) tới hơn 100 yuan/jin trong 1 tuần; trong khi trước đó giá bán buôn mặt hàng này thậm chí đã tăng từ 90 yuan/jin lên tới 120 yuan/jin chỉ trong 1 ngày. Tại một số chợ nông sản, giá tôm biến đổi từng ngày, người mua hàng liên tục phản ánh mức giá tăng quá cao. 

Dù vậy, thị trường tôm Trung Quốc vẫn sôi động. Theo Wang, chủ một hãng kinh doanh tôm tại Phúc Kiến đã mua hơn 200 jin TTCT vào ngày 25/1/2021. Do tôm tươi, chất lượng tốt nên những con đạt size 40 con/jin có giá 30 yuan/jin được tiêu thụ rất mạnh. Dự báo, thị trường tôm Trung Quốc tiếp tục nhộn nhịp trong vài tháng tới nhờ nhiều yếu tố. Trước tiên, do ảnh hưởng của virus corona, một số nguồn cung tôm nhập khẩu đã bị cấm cửa; vào tháng 11/2020, mùa cao điểm nhập khẩu tôm đông lạnh của Trung Quốc, nước này chỉ nhập 32.200 tấn, giảm 52% so cùng kỳ năm 2019. Hơn nữa, tôm tươi sống trong ao còn lại khá hạn chế, trong khi nhiều người nuôi cho biết một lượng lớn tôm đã bị chết do đợt rét kỷ lục trước đó, đặc biệt là tại các vùng như Quảng Đông. Thậm chí khi tôm nhập khẩu giảm giá, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn lưỡng lự. Một vài hãng nhập khẩu đang đối mặt thiệt hại lớn và buộc phải tạm dừng nhập khẩu.  

Thị trường tôm nội địa Trung Quốc diễn biến tích cực. Nguồn: gettyimages

Về ngắn hạn, thị trường tôm nội địa Trung Quốc diễn biến tích cực khi nhu cầu tiêu thụ cao hơn trong khi nguồn cung khan hiếm. Người nuôi tôm trong nước đang găm hàng chờ giá lên cao hơn. Theo một nông dân ở Châu Hải, Quảng Đông, số lượng tôm còn lại trong ao thấp hơn hồi cuối năm, nên giá bán có thể tăng cao hơn nữa. 

Trong khi đó, lượng tiêu thụ tôm đông lạnh trên các chợ trực tuyến và vận chuyển hàng đến tận nhà đang tăng. Ngoài ra, đối mặt tình trạng giá tôm tăng cao như trên, các nhà máy chế biến cũng thực hiện nhiều giải pháp ứng phó. Ví dụ, một nhà máy tại tỉnh Quảng Đông cho biết đã mua hơn 4.000 tấn tôm vào thời điểm giá thấp và có khả năng đáp ứng nhu cầu tăng cao vào ngày lễ. Một nhà máy khác đã thay thế tôm nguyên liệu giá cao bằng mặt hàng có giá thấp hơn như cá. Do đó, các chuyên gia thị trường cho rằng, găm hàng trong ao tại thời điểm này không phải là một quyết định sáng suốt bởi giá tôm có nguy cơ quay đầu giảm bất cứ lúc nào. 

Thủy sản nhập khẩu gặp khó

Do ảnh hưởng của virus corona, người tiêu dùng thực phẩm tại Trung Quốc đang mất niềm tin đối với thủy sản nhập khẩu. Theo nghiên cứu trước đây, hơn 85% người được phỏng vấn cho biết họ phải đắn đo khá lâu khi mua thủy sản nhập khẩu. Ngoài ra, các hãng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cũng đang đối mặt một số khó khăn khác tại thị trường này. Trước tiên là chi phí vận tải tăng cao. Số liệu thống kê từ South China Morning Post cho thấy, phí vận chuyển giữa Trung Quốc và West Coast của Mỹ đã tăng vọt 208%, trong khi phí vận chuyển tới East Coast tăng 110% từ cuối năm 2020. 

Chi phí vận tải tăng cao bắt nguồn từ việc thiếu hụt container. Theo một hãng vận tải nội địa Trung Quốc, tính đến đầu tháng 1/2021, chi phí cho một container đã tăng 9.000 – 14.000 USD, tùy vào cảng đến và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia trong ngành dự báo, tình trạng cước phí vận chuyển cao sẽ tiếp diễn trong năm 2021, hoặc sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 4 năm nay. Ngoài ra, mặt hàng thủy hải sản sẽ đối mặt tình trạng cước vận tải tăng cao hoặc thiếu container nghiêm trọng hơn các hàng hóa khác do các công ty xuất khẩu hàng hóa khác đặt chỗ với hãng vận chuyển sớm hơn. Rất có khả năng các công ty xuất khẩu thủy sản sẽ không còn chỗ khi họ muốn đặt dịch vụ với bên vận tải. 

Mặt khác, dù hàng hóa đã tới cửa ngõ Trung Quốc, thì các hãng xuất khẩu vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro trong quá trình thông quan hàng hóa. Hầu hết các quốc gia đã thay đổi chính sách nhập khẩu suốt thời gian đại dịch. Trung Quốc cũng đang siết chặt quản lý thông quan khiến các doanh nghiệp tốn kém thời gian, chi phí hơn và cũng gây thiệt hại cho các sản phẩm thủy sản tươi. 

Vận chuyển hàng hóa đến cảng đích khác cũng không đơn giản nếu những chính sách này thay đổi suốt quá trình vận chuyển, một hãng xuất khẩu tôm Ecuador cho biết. Hiện phải mất 15 ngày để vận chuyển tôm từ Ecuador tới Trung Quốc và nếu lô tôm này bị cấm khi đang trên đường vận chuyển thì nhà xuất khẩu sẽ phải chuyển tải sau khi tới cảng biển Trung Quốc. Điều này dẫn đến quá trình vận chuyển lâu hơn từ đó hàng hóa cũng kém cạnh tranh hơn tại những thị trường mới. 

Ngoài hãng xuất khẩu thì các nhà máy chế biến cũng gặp khó khăn lớn bởi sự bất ổn này. Một nhà máy cho biết, hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc và có nguy cơ phải thu hẹp quy mô sản xuất nếu nhu cầu tiêu thụ không ổn định trong khi chi phí sản xuất đang tăng. Một nhà máy khác lo ngại sẽ không biết xoay sở thế nào nếu tất cả công nhân quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 

>> Mặc dù Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt hơn, nhưng con đường xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc còn nhiều bất ổn và nguy cơ. Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định thời gian thương mại thủy sản phục hồi về quỹ đạo ban đầu.

Tuấn Minh

Tổng hợp

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *