Trung Quốc: Báo động tình trạng “ăn xổi”


Thị trường biến động

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng, phân tích: Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của cá tra xuất khẩu Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn cũng lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm ngoái chiếm 22,6% tổng kim ngạch, 6 tháng đầu năm nay giảm còn 21,1%. Từ 1/9/2017, sẽ thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại Mỹ, xác định các điều kiện tương đương nhau; kiểm soát sẽ nghiêm ngặt theo từng công đoạn từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy. Từ ngày 2/8/2017, tất cả các lô hàng cá tra vào Mỹ đã bị kiểm tra, tập trung 3 vấn đề là nhãn mác, các thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. Bên cạnh, DOC công bố mức thuế cao áp cho cá tra (POR12).

Còn thị trường EU, có xu hướng giảm liên tục từ năm 2009 đến nay. Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch đạt 101 triệu USD, giảm đến 24,1% so cùng kỳ, tỷ trọng chỉ còn chiếm 12,1%. Cá tra đang cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa (cá tuyết, cá Alaska pollock), cá biển khác như cá ngừ, cá hồi và bị truyền thông một số nước EU bôi xấu, ảnh hưởng tới doanh số tiêu thụ.

Thị trường Trung Quốc-Hồng Kông mới nổi nhưng tăng liên tục trong nhiều năm qua, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao. Tỷ lệ tăng hằng năm so với năm trước, giai đoạn 2010 – 2013 chỉ 3 – 5% thì năm 2014 là 6,4%, năm 2015 là 10,3%, năm 2016 là 17,8 % và 6 tháng đầu năm 2017 tăng đến 20,5%. Dự báo trong năm 2017, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ, lên dẫn đầu.

Kinh doanh “ăn xổi”

Thị trường Trung Quốc-Hồng Kông nhập khẩu nhiều sản phẩm cá tra, mở ra cơ hội mới với tiềm năng lớn. Đặc biệt, thị trường Mỹ, EU chuộng cá tra fillet, còn thị trường Trung Quốc-Hồng Kông thích cá tra nguyên con, văn hóa ẩm thực khá gần gũi với Việt Nam. Gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại của Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải mà sâu bên trong nội địa như các tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên. Hội chợ thủy sản của Trung Quốc trước đây nổi tiếng với Thanh Đảo, Thượng Hải thì gần đây đã hoạt động sôi nổi ở Trạm Giang trên bán đảo Lôi Châu, ở Phòng Thành Cảng tỉnh Quảng Tây gần Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nắm cơ hội, khai thác khá hiệu quả thị trường này; tuy nhiên, bên cạnh cũng xuất hiện một số doanh nghiệp với tư duy “ăn xổi”. Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển quốc gia IDI Lê Văn Chung cho biết, gần đây có nhiều thương nhân trong nước và Trung Quốc lùng mua gom cá tra nguyên liệu “càng rẻ càng tốt”. Họ mua cả cá bị bệnh, cá chết và thuê các nhà máy đang “ngắc ngoải” chế biến, xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Cùng đề cập tình trạng “ăn xổi” kể trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang Lê Chí Bình nói: “Chất lượng không kiểm soát được đã làm rối loạn thị trường xuất khẩu”. Còn bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Ngọc Xuân nêu tình trạng trên diễn ra ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và kiến nghị: “Các ngành chức năng cần kịp thời chấn chỉnh, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam và làm hỏng tay nghề của cả một đội ngũ công nhân vì kiểu làm ăn cẩu thả”.

Đề cao chất lượng

Biểu hiện kinh doanh “ăn xổi” của vài doanh nghiệp làm cho những thách thức biến động thị trường thêm phức tạp. Bởi vì, các nhà quản lý và doanh nghiệp đều thống nhất đánh giá, biến động là việc thường xảy ra trong nền kinh tế thị trường và để phát triển ổn định, càng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra.

Cùng với nuôi đảm bảo chất lượng thì công nghệ chế biến cũng phải thay đổi cho phù hợp với văn hóa ẩm thực của thị trường. Chẳng hạn, các thị trường Mỹ, EU chuộng cá tra fillet, còn Trung Quốc thích cá tra nguyên con, chế biến theo truyền thống ẩm thực của họ. Như thế, muốn phát triển thị trường Trung Quốc-Hồng Kông, cần chuyển từ công nghệ chế biến cá tra fillet sang chế biến gắn với văn hóa ẩm thực Trung Quốc-Hồng Kông, chứ dứt khoát không thể bằng cách “ăn xổi” giảm chất lượng.

Theo các doanh nghiệp cá tra, cần tăng cường kiểm tra, bắt buộc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi xuất khẩu. Nếu phát hiện hành vi gian dối, công khai danh tính để các đối tác nhập khẩu đề phòng, xã hội cảnh giác, tạo môi trường thuận lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *