Triển vọng tích cực từ thị trường cua ghẹ

Nguồn cung ổn định

Ngành khai thác cua Dungeness thuộc Đông Nam Alaska đã có một khởi đầu thuận lợi suốt mùa hè năm ngoái. Từ ngày 15/6 – 15/8/2020, bang này đã khai thác được 5,8 triệu pound (2.631 tấn). Đây là mức sản lượng cao thứ 2 sau vụ thu hoạch kỷ lục vào năm 2000 – 2003 và gấp đôi mức khai thác trung bình lịch sử 10 năm.

Tại Washington, sản lượng khai thác cua biển dưới 12 triệu pound (5.433 tấn) vào đầu tháng 7/2020, giảm nhẹ so mức trung bình lịch sử 10 năm. Bang Oregon, chỉ đánh bắt được 20 triệu pound (9.072 tấn), giảm so mức 23 triệu pound (10.432 tấn) vào năm 2018 và 18,7 triệu pound (8.482 tấn) vào năm 2019. Trong khi California khai thác được 13,8 triệu pound cua dungeness (6.260 tấn) vào năm 2020, tăng nhẹ so mức 13,5 triệu pound (6.124 tấn) của năm 2019.

Giữa tháng 9/2020, những dự báo về mùa khai thác cua tuyết Alaska vẫn chưa chắc chắn. Tổng hạn ngạch chưa được ấn định, nhưng nhìn chung, các chuyên gia thị trường đều dự báo sản lượng cua tuyết Alaska 2020 sẽ tương đương năm trước đó hoặc thấp hơn không đánh kể nếu hạn ngạch vẫn duy trì 34 triệu pound (15.422 tấn). Trong khi đó, vụ khai thác cua tuyết Canada vẫn tiếp diễn tại Newfoundland và Labrador. Từ tháng 8/2020, Canada đã khai thác 90% tổng số hạn ngạch 28.510 tấn.

 

Theo dự báo nguồn cung cua biển vẫn ổn định trong vài tháng tới Ảnh: CTV

Vụ khai thác cua huỳnh đế đỏ gần đây nhất của Nga bắt đầu vào 1/9 năm ngoái với hạn ngạch không quá 16.305 tấn và kéo dài đến cuối năm 2020. Châu Á là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của sản phẩm cua huỳnh đế đỏ của Nga, đặc biệt là mặt hàng tươi sống nên giá cua huỳnh đế sống tại châu Á vẫn luôn duy trì ở mức cao đến thời điểm hiện nay.

Sản lượng khai thác cua huỳnh đế Na Uy trên biển Barents ít hơn nhiều so với lượng khai thác cua của Nga và Alaska. Xuất khẩu cua huỳnh đế của Na Uy năm 2020 cũng tương đương 2019 với thị trường tiêu thụ lớn nhất là Hàn Quốc, tiếp đến là Mỹ và Việt Nam.

Thị trường sôi động

Nhập khẩu tất cả các loại cua biển trên toàn cầu đã giảm từ 191.165 tấn trong nửa đầu năm 2019 xuống 163.055 tấn suốt cùng kỳ 2020, tương ứng tỷ lệ giảm 14,7%. Nước nhập khẩu chủ yếu của nhóm mặt hàng này vẫn là Mỹ, tuy nhiên nhập khẩu của nước này cũng giảm nhẹ 1,4%. Thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ là Hàn Quốc.

Tính đến nay, nhập khẩu cua của Mỹ dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19. Suốt nửa đầu năm ngoái, nước này đã nhập khẩu 59.343 tấn, giảm nhẹ so mức 60.201 tấn của cùng kỳ 2019. Mỹ nhập khẩu cua từ Canada lại tăng mạnh trong năm qua. Chỉ tính riêng tháng 6, nước này đã nhập khẩu 14.845 tấn cua biển từ Canada. Trái lại, nhập khẩu cua biển của Trung Quốc lại giảm hơn 31% còn 25.713 tấn vào nửa đầu năm 2020 do các nguồn cung khan hàng hơn. Nước cung cấp cua lớn nhất cho Trung Quốc là Nga, nhưng nguồn cung từ Nga cũng giảm 12% trong năm qua. Mỹ là nước cung cấp cua lớn thứ 2 tại Trung Quốc, tiếp đến là Bangladesh. Đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cua tươi sống lớn nhất thế giới; quốc gia này và các nước châu Á khác tiêu thụ hơn 50% cua tươi sống của Nga trong năm qua.

Là một thị trường rất chuộng cua biển, Hàn Quốc đã nhập khẩu 3.339 tấn cua tươi sống suốt nửa đầu năm ngoái. Nga là nguồn cung lớn nhất, chiếm thị phần 90%. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là thị trường tiêu thụ cua trọng điểm của Na Uy. Hiện, giá cua Na Uy trên thị trường thế giới nói chung đang có xu hướng tăng cao hơn ở mức trung bình, khoảng 39,78 USD/kg và cao hơn mức giá 35,27 USD/kg cua Nga. Cũng như Hàn Quốc, nhập khẩu cua huỳnh đế đông lạnh của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm trước đã tăng lên 1.202 tấn từ mức 1.046 tấn của cùng kỳ 2019; giá cua huỳnh đế đông lạnh cũng đã tăng từ năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu cua tuyết đông lạnh của Nhật Bản lại giảm 26% còn 9.362 tấn.

Nhập khẩu ghẹ của Mỹ nửa đầu năm 2020 đạt 11.386 tấn, chỉ giảm nhẹ 7% so cùng kỳ 2019. Indonesia chiếm tới 53% trong tổng số ghẹ nói trên, tương ứng 6.077 tấn. Tuy nhiên, nguồn cung ghẹ từ Indonesia lại giảm dần vào mùa hè và cuối năm do vụ khai thác ghẹ kết thúc vào tháng 7. Sản xuất ghẹ tại quốc gia này dự kiến sẽ bắt đầu trở lại vào tháng 1/2021 nên nguồn cung ghẹ Indonesia sang thị trường Mỹ trong tháng 2/2021 sẽ tăng cùng với giá bán.

Lạc quan trong thận trọng

Trước mắt, nguồn cung cua biển vẫn ổn định trong vài tháng tới còn giá chỉ dự báo tăng nhẹ. Với sự trở lại của các nhà hàng và khách sạn, doanh số bán hàng của kênh bán lẻ cũng như trực tuyến có khả năng giảm nhẹ để chuyển sang kênh dịch vụ ẩm thực. Nguồn cung cua tuyết có thể tăng nhẹ vào năm 2021. Các hãng khai thác cua tại Quebec, Canada cũng dự báo vụ khai thác có thể bắt đầu sớm hơn. Sinh khối cua tuyết ở biển Bering đang di chuyển xa hơn về phía Bắc do nước biển tại đây đang dần ấm hơn.

Dự báo triển vọng ngành cua biển lạc quan nhưng vẫn cần thận trọng trước nguy cơ bùng phát COVID-19. Nhu cầu tiêu thụ cua vẫn đang duy trì ở mức tốt và còn giá sẽ tăng; nhưng nếu đại dịch bùng phát làm nhiều kênh dịch vụ ẩm thực đóng cửa thì doanh số cua chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, doanh số của kênh bán lẻ hoặc trực tuyến sẽ bù đắp lại phần nào.

>> Nguồn cung cua tuyết thế giới được dự báo ở mức 100.000 tấn vào năm 2021 nhưng nhờ các chiến lược xúc tiến thương mại chủ động, linh hoạt và hiệu quả tại các kênh bán lẻ, nhu cầu tiêu thụ cua biển nhìn chung trong năm 2021 sẽ được duy trì ở mức tốt.

Đan Linh

(Tổng hợp)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *