Triển vọng phục hồi xuất khẩu tôm
Triển vọng tại các thị trường
Theo VASEP, tháng 4/2024, xuất khẩu tôm đã thu về 287 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước đó. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đã mang về 974 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ và tiếp tục là mặt hàng thủy sản có kim ngạch lớn nhất. Xuất khẩu tôm đã có sự thay đổi trong xu hướng nhập khẩu của các thị trường chính. Nếu như trong các tháng trước đó, thị trường Mỹ và Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh thì trong tháng 4 năm nay, xuất khẩu sang các thị trường này chỉ tăng mức nhẹ.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 15% sau khi vẫn tăng trưởng nhẹ trong tháng 3. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 168 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tôm vào Mỹ từ các nguồn cung trong quý đầu năm nay ghi nhận tăng về khối lượng, giảm nhẹ về giá trị. Tháng 3 năm nay, Mỹ lại tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ecuador với mức tăng 25% và 24% lần lượt về khối lượng giá trị. Điều này có thể khiến cho Mỹ giảm bớt lượng nhập từ các nguồn khác.
Xuất khẩu tôm sẽ còn đối diện nhiều thách thức. Ảnh: ST
Theo các chuyên gia, ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn chờ đợi trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp. Hiện, Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, hy vọng đạt kết quả tích cực sẽ giúp cho rào cản thuế chống trợ cấp được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đi Mỹ.
Đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm từ Việt Nam tăng 1,7%, đạt 64 triệu USD trong tháng 4 năm nay. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 192 triệu USD, tăng 41%.
Đáng chú ý, EU là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong tháng 4 năm nay, với kim ngạch đạt 38 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 4 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu đạt 119 triệu USD, gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng hai con số. Xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Bỉ tăng lần lượt 29%, 37% và 39%; xuất khẩu sang Đan Mạch tăng mạnh 88%.
Sau khi giảm trong hai tháng trước, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc và châu Âu đã ghi nhận sự phục hồi trong tháng 4. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc ghi nhận tăng nhẹ 4% trong tháng 4 năm nay và thu về hơn 95 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên giảm 10%.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ, là dấu hiệu cho thấy lượng tồn kho tại các thị trường đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng vẫn chưa thể hiện rõ khả năng hồi phục. Trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều thách thức, ngành tôm Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng, tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Trước đó trong năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch; riêng mặt hàng tôm đã thu về 3,45 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng giá trị gia tăng.
Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2024 diễn ra tại Tây Ban Nha vào tháng 4 có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Tại đây, các mặt hàng tôm giá trị gia tăng tươi ngon từ Việt Nam đã được quảng bá tới người tiêu dùng và nhập khẩu châu Âu. Các sản phẩm tôm ăn liền được doanh nghiệp chế biến thành nhiều món ăn phong phú, đa dạng và mời khách tham gia thưởng thức ngay tại các gian hàng. Rõ ràng, việc đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng cho mặt hàng tôm đang có nhiều lợi thế và cơ hội, sẽ là hướng đi góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành này.
Theo đó, VASEP cho rằng, đà phục hồi cho xuất khẩu tôm sẽ còn đối diện nhiều cam go trong năm 2024, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm Việt cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục vượt khó trên chặng đường phục hồi.
Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 – 15% vào năm nay. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm. Đây là cơ hội cho giá tôm tăng trở lại.
Ngọc Diệp
Bình luận gần đây