TP Đà Nẵng: Thủy sản là điểm sáng của nông nghiệp

Tăng năng lực khai thác

Từ lâu, hoạt động khai thác được coi là mũi nhọn của ngành thủy sản, đóng góp chính trong giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố. Khai thác thủy sản của thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh chủ yếu ở các quận: Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn. Quá trình khai thác được tổ chức theo mô hình tổ, đội, có sự liên kết, hỗ trợ nhau bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè đa dạng các đối tượng như cá, hàu, vẹm, nghêu,…. Ảnh: Công Sáng

Để phát triển kinh tế biển một cách toàn diện, thành phố đã có nhiều chính sách góp phần chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng tập trung khai thác thủy sản xa bờ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động đi biển, nhất là lao động khai thác xa bờ thời gian qua đã gây khó khăn đáng kể cho hoạt động khai thác hải sản, nhất là khai thác ở vùng khơi. Trước những khó khăn và thách thức đó, các cơ quan chức năng đã có những chính sách, giải pháp thực tiễn và phù hợp để cùng ngư dân vượt qua. Nhờ đó, năng lực khai thác được tăng đáng kể qua các năm.

Trong năm 2023, công tác kiểm tra đăng ký, đăng kiểm tàu cá và các điều kiện đảm bảo an toàn phương tiện được địa phương chú trọng; các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ được cơ quan chuyên môn quan tâm và thực hiện tốt. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra các hoạt động về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo “Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 02/11/2023, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế. Cùng đó, thành phố cũng phát triển lĩnh vực thủy sản trở thành ngành kinh tế hiện đại gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 36.766 tấn, chiếm tỷ trọng 96,3% trong tổng sản lượng thủy sản và tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác bình quân giai đoạn 2021 – 2023 giảm 0,21%/năm.

Đẩy mạnh thâm canh

Sản lượng thủy sản nuôi trồng chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 4%) trong tổng sản lượng, tuy nhiên con số này tăng dần qua các năm, năm 2021 là 3,2% đến năm 2023 là 3,7%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng bình quân giai đoạn 2021 – 2023 tăng 6,3%/năm.

Diện tích nuôi tôm nước lợ chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung phần lớn tại các huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã hướng đến các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: Cá chình, cá leo, cá thát lát… từng bước đẩy mạnh theo hướng thâm canh, an toàn dịch bệnh.

Theo ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Đà Nẵng được định hướng phát triển theo hướng chất lượng cao, phù hợp với quy hoạch của thành phố; xây dựng mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học; phát triển sản xuất thủy sản theo mô hình liên kết chuỗi thực phẩm thủy sản an toàn, bảo đảm thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu… Hằng năm, Chi cục Thủy sản phối hợp Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm hỗ trợ giống cá nước ngọt cho các hộ nuôi; thực hiện quan trắc môi trường kịp thời cảnh báo cho người nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trong ao nuôi; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm…

Duy An

>> Với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 – 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt 38.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 3 – 5%, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 95 – 97%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *