Tôm xuất khẩu sao chưa “sạch”?
Mất mặt, mất tiền
Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt, Cà Mau cho biết: Gần đây, nhiều lô tôm xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Canada… bị trả lại do nhiễm kháng sinh, khiến các doanh nghiệp thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Tháng 2 và 3/2014, Nhật Bản phát hiện chất kháng sinh Oxytetracycline (OTC) trong 2 lô tôm nhập từ Việt Nam. Tháng 4/2014, EU phát hiện một số lô tôm nhập từ Việt Nam bị nhiễm OTC vượt mức cho phép. Nếu tình hình không được cải thiện, EU sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn, kể cả đình chỉ, tạm dừng nhập khẩu tôm Việt Nam. Các doanh nghiệp đều biết nguyên tắc của Trung tâm Phòng và Kiểm hóa bệnh của Mỹ (CDC): không dùng kháng sinh; cố gắng không dùng nhiều kháng sinh.
Một số doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng đội ngũ kiểm nghiệm chất lượng tôm trước khi xuất khẩu cũng như trong quá trình nuôi, chế biến. Tuy nhiên, chi phí này tốn 20 – 30 tỷ đồng/năm; hơn nữa, lây nhiễm từ khâu nuôi cũng khiến doanh nghiệp khó kiểm soát hơn.
Quản lý ở đâu?
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết, vấn đề dư lượng kháng sinh trong tôm xuất khẩu Việt Nam từ lâu đã được cảnh báo, nhưng người nuôi vẫn sử dụng tràn lan. Hai năm trước, khi dịch bệnh trên tôm bùng phát, nhiều nông dân Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… đã lạm dụng thuốc kháng sinh trong phòng trị bệnh cho tôm. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã từ chối mua, khiến người nuôi lao đao. Nhưng dường như bài học đó chưa đủ sức răn đe.
Tại tỉnh Cà Mau trong tháng 7/2014, tình trạng tôm chết, dịch bệnh xảy ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương, kể cả tôm nuôi công nghiệp và quảng canh. Nguyên nhân chính do người dân chủ quan, không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng, thậm chí sử dụng thuốc thú y thủy sản kém chất lượng, không thuộc danh mục các loại thuốc được sử dụng. Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau đã phát hiện hàng loạt mặt hàng thuốc thú y thủy sản giả, kém chất lượng, không được phép lưu hành. Đã bị xử lý, nhưng thực trạng vẫn diễn biến phức tạp.
Nông dân nuôi tôm tại xã Hiệp Mỹ Đông (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết, kiểm soát chất trong thức ăn, thuốc thú y thủy sản là trách nhiệm của các nhà máy và cơ quan quản lý nhà nước. Thế nên họ chẳng quan tâm các chất bị khuyến cáo không nên lạm dụng. Khi được hỏi về các chương trình, chính sách tuyên truyền của cơ quan quản lý địa phương, nông dân nuôi tôm ở đây chỉ ra rằng, nhiều năm nuôi nhưng chưa bao giờ thấy chính quyền địa phương nói gì về dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Ngay cả cán bộ kỹ thuật khi tập huấn cũng chủ yếu hướng dẫn phòng bệnh cho tôm chứ ít khi hướng dẫn sử dụng loại thức ăn nào, thuốc gì để đảm bảo chất lượng.
Kiểm soát từ khâu nuôi
Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương tăng cường kiểm tra việc sử dụng OTC trong nuôi tôm theo quy định. Các biện pháp đánh giá khoa học về tác dụng cũng như mức độ cần thiết sử dụng OTC cùng những giải pháp thay thế cho việc điều trị bệnh tôm có quy định, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi và cụ thể đến người nuôi, vừa phòng bệnh tốt vừa không bị rủi ro tôm có dư lượng kháng sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để giám sát tốt hơn nữahoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước, hạn chế thấp nhất mức độ bị cảnh báo với các lô hàng xuất khẩu nói chung, tôm nói riêng.
Nhiều địa phương đang tăng cường hỗ trợ người dân qua công tác kiểm tra, xử lý, nhằm ổn định thị trường thuốc thú y thủy sản, đồng thời tránh thiệt hại cho người nuôi. Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng kháng sinh vẫn còn là vấn đề nan giải. Nông dân rất cần các nhà khoa học giúp đỡ, hướng dẫn chi tiết, nhằm giảm thiểu việc dùng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Bình luận gần đây