Tôm xuất khẩu: “Nghi án” vẫn lơ lửng trên đầu

Cởi trói

Theo Vasep, DOC đã quyết định sơ bộ mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1-2-2011 đến 31-1-2012 (POR7) với nội dung cả bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện đều được hưởng 0%. Cụ thể, hai bị đơn bắt buộc là Minh Phu Seafood Corp và Nha Trang Seafoods có mức thuế 0%. Mức thuế đối với các công ty khác tham gia xem xét hành chính giai đoạn này cũng là 0%.

Trước đó, con tôm Việt Nam đã bị một số DN Mỹ khởi kiện khi họ cho là các DN Việt Nam được nhận trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam, cùng với đó, những nghi vấn về việc con tôm khi sang Mỹ được bán với giá thấp hơn giá thị trường khiến các DN xuất khẩu tôm có nguy cơ bị đánh trùng thuế.

Tuy vậy, sau một thời gian xem xét, DOC đã có quyết định con tôm Việt Nam không bị bán phá giá ở thị trường Mỹ. Quyết định này được coi là giảm bớt một “gọng kìm” đang siết các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu vào Mỹ, DOC công nhận tất cả các DN Việt Nam tham gia không bán phá giá.

 

Người nuôi tôm chưa thực sự yên tâm cho dù phía Mỹ đã công nhận Việt Nam không bán phá giá tôm xuất khẩu – Ảnh: Hoàng Long

Tuy thế thì những cáo buộc của Mỹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín cũng như tâm lý của các DN, gây nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam. Hết lần này đến lần khác, Mỹ đưa ra những rào cản kỹ thuật nhằm gây khó dễ cho các DN Việt Nam. Ròng rã suốt gần 10 năm trời bị ngành tôm của Mỹ kiện và bị áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm từ Việt Nam, người nuôi và DN chế biến xuất khẩu trong nước đã trải qua biết bao khó khăn cũng như kiên trì để có được sự công nhận này. 

 

Vẫn còn nhiều trở ngại phía trước

Phía Mỹ đã công nhận, nhưng theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, qua sự việc này, các DN xuất khẩu tôm cũng cần coi đây là bài học để tự chấn chỉnh lại hoạt động trong sản xuất và kinh doanh. Bởi, phía Mỹ không phải vô cớ mà họ đưa ra những rào cản thương mại gây khó dễ cho các sản phẩm của ta. Khi sản xuất, các DN Việt Nam cần phải chú trọng tới việc đảm bảo các yếu tố quy chuẩn mang tính quốc tế. Bản thân các DN của ta trong kinh doanh nhiều khi cũng gây mất niềm tin với đối tác nên đó chính là sơ hở để nước ngoài họ tìm cớ bắt bẻ. Ông Nghĩa lấy dẫn chứng về việc chất Ethyxequyn trong tôm, hiện nay DN của ta đang bị Nhật Bản kiểm tra ráo riết về vấn đề này: “Thi thoảng họ kiểm tra bất chợt một vài sản phẩm, và chỉ cần một vài lần phát hiện tôm chứa chất Ethyxequyn hơn mức cho phép, là tần suất kiểm tra sẽ nhiều hơn”.

Nhận định về những rào cản thương mại mà các DN xuất khẩu trong nước gặp phải khi xuất khẩu sang các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản… ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo: Vấn đề quan trọng nhất của các DN Việt Nam là phải tái cấu trúc và hướng tới phát triển bền vững bằng việc sử dụng các công nghệ sạch. “Khi áp dụng các công nghệ sạch cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường, lúc đó, chúng ta sẽ dễ dàng thâm nhập vào thị trường quốc tế hơn” – ông Lộc nhấn mạnh.

Như vậy, có thể khẳng định, con tôm xuất khẩu đã giảm bớt được phần nào gánh nặng khi sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt vẫn không hề nhỏ khi mà “nghi án” được trợ cấp vẫn lơ lửng trên đầu. Theo Vasep, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5/1 thông qua điều tra vụ kiện chống trợ cấp tôm đối với Việt Nam và 6 quốc gia khác. ITC đang điều tra các thông số chứng minh ngành khai thác tôm của Mỹ bị thiệt hại, trong khi DOC điều tra về việc chính phủ các nước bị kiện có trợ cấp ngành nuôi tôm của nước đó hay không. Nếu phán quyết cuối cùng của ITC và DOC khẳng định ngành nuôi tôm của 7 nước có nhận trợ cấp từ chính phủ thì thuế chống trợ cấp sẽ được áp dụng vào cuối năm 2013.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *