Tôm Việt tại các thị trường


Tôm Việt Nam được nhiều thị trường đánh giá cao Ảnh: Minh Triết

Trung Quốc

Dự báo Trung Quốc sẽ là nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, tiêu thụ tăng bình quân hàng năm 4,8%, từ 33,1 kg/người năm 2010 sẽ tăng lên 35,9 kg vào năm 2020. Thủy sản nhập khẩu phải đăng ký thông tin với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc (AQSIQ), đồng thời chỉ định các cửa khẩu nhập khẩu thủy sản (Hữu nghị quan và Thủy Khẩu – Quảng Tây).

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của nước ta. Trong đó, các mặt hàng chính là tôm sú (295,7 triệu USD), cá tra (376,7 triệu USD), cá cơm khô, mực và bạch tuộc (17,1 triệu USD).

Nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu cho chế biến và tái xuất khẩu ngày càng tăng do sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc dự kiến giảm và theo chính sách đẩy mạnh nhập để tái xuất của nước này. Từ 1/12/2017, Trung Quốc áp dụng giảm thuế nhập khẩu đối với tôm đông lạnh từ 5% xuống 2%, xuất khẩu tôm của nước ta sang Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt trong thời gian tới.

EU

Đây là thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD (tăng 22,05%) so cùng kỳ do xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng trưởng trên 20% (tôm đạt 380,6 triệu USD, cá ngừ đạt 68,7 triệu USD).

Hiện EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 (chiếm 19%) của Việt Nam vì sức mua tốt và ổn định, do tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng thuế suất ưu đãi và có mức giá hợp lý hơn so các đối thủ cạnh tranh. Do nhu cầu tiêu thụ tăng vì tăng trưởng kinh tế tiếp tục hồi phục trong năm 2018, một số sản phẩm như tôm thẻ chân trắng chế biến, tôm sú tươi/đông lạnh… của Việt Nam sẽ có khả năng tăng sang EU.

Mỹ

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ hiện đứng thứ 2, trong đó, tôm giảm, cá tra không cao như kỳ vọng nhưng cá ngừ tăng mạnh. Với tôm, Việt Nam là đối tác cung cấp lớn thứ 5 của Mỹ dù chịu thuế chống bán phá cao, kém cạnh tranh hơn về giá (giá xuất khẩu của Việt Nam 10,8 USD/kg, cao hơn Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ).

Bước sang năm 2018, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã có dấu hiệu khả quan hơn. Giá trị xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm 2018 tăng trưởng 12% so cùng kỳ năm 2017. Hai tháng đầu năm 2018, đạt 75 triệu USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2017. Mỹ đã vươn lên vị trí thứ 2 sau EU về nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Nhưng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới được đánh giá sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngày 8/3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016 – 31/1/2017). Mức thuế lần này quá cao so với những lần công bố trước đó. VASEP và các doanh nghiệp tin rằng DOC đã có sự nhầm lẫn trong tính toán biên độ và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ trong thời gian sớm nhất.

ASEAN 

ASEAN là thị trường nhập khẩu nhưng cũng xuất khẩu nông thủy sản lớn của thế giới. Với việc hình thành Cộng đồng AEC từ cuối năm 2015, các nước ASEAN không chỉ là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu lớn mà còn ngay chính tại thị trường nội địa, sức cạnh tranh và khả năng thúc đẩy xuất khẩu sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu sang các nước ASEAN như thời gian vận chuyển ngắn, chi phí thấp hơn so các nước khác (Mỹ, EU, Nhật Bản…). Một số mặt hàng có dư địa tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới gồm mực và bạch tuộc đông lạnh/tươi/ướp lạnh sang Thái Lan, Malaysia; tôm đông lạnh sang Philippines; chả cá/surimi đông lạnh sang Singapore; tôm/mực chế biến sang Indonesia.

Nhật Bản

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản đứng thứ 3, đạt 1,310 tỷ USD (tăng 19,3%), trong đó tôm là mặt hàng tăng trưởng tốt nhất. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và Hiệp định ASEAN – Nhật Bản để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tương đối cao, đạt 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 25,4% so với cùng kỳ. 

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số, trở thành thị trường tôm lớn nhất của nước ta với thị phần 27%; đặc biệt với sản phẩm tôm sơ chế lột vỏ để đuôi/tôm để vỏ nguyên liệu đông lạnh (các đối thủ khác Thái Lan 18%, Indonesia 16%, Ấn Độ 7%…).

Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường tôm lớn thứ 3 của Việt Nam và nước ta là đối tác cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc với thị phần 54%, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng (các đối thủ khác Ecuador 14%, Trung Quốc 9%, Thái Lan 6%, Malaysia 5%). Với nhu cầu ổn định, giá cao, ưu đãi thuế quan thông qua Hiệp định FTA Hàn Quốc – Việt Nam, nước ta đang có nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu tôm sang thị trường này. ở Hàn Quốc, tỷ lệ lập gia đình muộn nhiều, số người độc thân gia tăng nên những sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm sẽ thu hút mạnh người tiêu dùng tại đây. Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang Hàn Quốc cũng sẽ “cất cánh” nhờ lợi thế từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Australia

Việt Nam là đối tác cung cấp thủy sản đứng thứ 4 của Australia với thị phần 10% (sau Thái Lan, New Zealand, Trung Quốc), đồng thời là nước xuất khẩu tôm lớn nhất cho thị trường này với thị phần 34%. Xuất khẩu tôm sang Australia sụt giảm nhẹ do lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và các sản phẩm tôm chưa nấu chín từ đầu tháng 1/2017. Qua đàm phán, Australia đã tháo gỡ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nêu trên, đồng thời áp dụng các điều kiện nhập khẩu tăng cường từ ngày 7/7/2017. Đối với tôm tươi nguyên con của Việt Nam, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đang phối hợp với phía Australia đẩy nhanh tiến trình cho phép nhập khẩu. Nếu tiếp cận được thị trường, Việt Nam sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu tôm tươi nguyên con vào Australia, không chỉ giúp gia tăng thị phần tại thị trường này mà còn giúp ngành tôm Việt Nam khẳng định uy tín để tăng xuất khẩu vào Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Liên bang Nga

Sau khi Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt ưu đãi, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi đạt trên 80% đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như tôm và cá fillet ướp lạnh/đông lạnh/sấy khô/hun khói… và đã tăng trưởng xuất khẩu sang Liên bang Nga.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Liên bang Nga bình quân khoảng 4,1 – 4,3 triệu tấn/năm (cá các loại hơn 3,4 triệu tấn/năm), tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người một năm là 23,5 kg (bình quân thế giới 17 kg). Việt Nam là 1 trong 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Liên bang Nga với sản phẩm chủ lực là cá tra fillet. Các sản phẩm cá tra fillet, tôm, chả cá, surimi, mực, bạch tuộc và một số loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sẽ tiếp tục tăng trưởng thời gian tới.

>> Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cho rằng, chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam đang có thương hiệu. Vào thời điểm hiện nay tôm Việt Nam vẫn được tiêu thụ bình thường. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe, nhất là yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Trong khi đa phần nuôi tôm Việt Nam còn quy mô nhỏ lẻ.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *