Tôm Việt Nam lại bị kiện ở Mỹ
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết ngày 28/12, một nhóm các công ty tôm của Mỹ đã nộp đơn kiện chống trợ cấp (còn được gọi là vụ kiện “thuế chống trợ giá”) đối với mặt hàng tôm từ Việt Nam và một số nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Eduador. Hiện Mỹ duy trì lệnh áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm nước ấm từ Việt Nam, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan.
Theo công ty Mayer Brown JSM, với đơn kiện này, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ tiến hành điều tra để xác định liệu các công ty tôm Việt Nam có nhận được “các khoản trợ cấp” không chính đáng từ chính phủ Việt Nam hay không (ở cấp quốc gia, cấp tỉnh hoặc cấp địa phương). Nếu xác định có trợ cấp, DOC sẽ áp đặt một khoản “thuế chống trợ giá” bổ sung trên hàng nhập khẩu vào Mỹ (như đang áp dụng đối với thuế chống bán phá giá).
Trên thực tế, quy trình và thủ tục của vụ kiện thuế chống trợ giá này rất giống với quy trình và thủ tục của vụ kiện chống bán phá giá ban đầu (chỉ khác ở chỗ thay vì điều tra bán phá giá, Bộ thương mại Mỹ sẽ điều tra về trợ cấp).
Tôm Việt đang có nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp, bên cạnh loại thuế chống bán phá giá mà doanh nghiệp Việt đang phải chịu khi xuất tôm vào Mỹ. Ảnh: VASEP
VASEP đã thông tin về vụ kiện cho các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, các bên sẽ tập hợp số liệu, giấy tờ cần thiết để chứng minh, trả lời cho phía chính phủ Mỹ. Lãnh đạo VASEP khẳng định, đối với vụ kiện chống trợ cấp thì vai trò của chính phủ, cơ quan chính quyền rất quan trọng để quyết định sự thành công hay thất bại.
Theo ông Hòe, vụ kiện chống trợ cấp với tôm Việt Nam dự kiến kéo dài hơn một năm. Có 2 cơ quan thụ lý hồ sơ. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ có nhiệm vụ điều tra tôm Việt gây thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ nhiều hay ít. Thứ hai, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tính toán mức thiệt hại mà tôm Việt gây ra cho các doanh nghiệp Mỹ ở mức bao nhiêu. Từ đó, chính phủ Mỹ sẽ áp đặt một khoản thuế chống trợ giá.
Ông Hòe cho biết chính phủ Mỹ sẽ điều tra tại sao giá tôm Việt khi vào thị trường Mỹ lại thấp hơn giá của doanh nghiệp nội địa, chẳng hạn như doanh nghiệp Việt có nhận được khoản vốn của nhà nước Việt Nam về lãi suất ưu đãi hay không…
Hiện xuất khẩu tôm Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin này. Tuy nhiên, lãnh đạo VASEP cho rằng, xét về mặt tâm lý, cả nhà nhập khẩu lẫn xuất khẩu tôm Việt có thể hơi chùn lại.
“Nếu chính phủ Mỹ kết luận tôm Việt bán theo giá được trợ cấp thì doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn. Bởi khi đó, con tôm bị áp cả 2 loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp”, ông Hòe nói.
Thông tin từ Mayer Brown JSM, trong 45 ngày tới, Ủy Ban Thương mại quốc tế của Mỹ (ITC) sẽ đưa ra quyết định ban đầu về việc có hay không thiệt hại kinh tế. Ngoài ra, khoảng 25 ngày sau, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành điều tra việc áp dụng thuế chống trợ giá này.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ gửi bảng câu hỏi về số lượng và giá trị xuất khẩu cho tất cả các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam mà phía Mỹ có thông tin. Công ty Việt Nam sẽ được yêu cầu trả lời một cách chính xác và đầy đủ bảng câu hỏi đó, nộp lại Bộ Thương mại Mỹ theo cách thức phù hợp (trường hợp không tham gia trả lời bảng câu hỏi, công ty Việt Nam sẽ bị áp đặt mức thuế chống trợ giá rất cao, có khả năng khiến họ không thể nào xuất khẩu sang Mỹ).
Sau khi các câu trả lời cho bảng câu hỏi số lượng và giá trị xuất khẩu đã được nộp, Bộ Thương mại Mỹ sẽ chọn 2, 3 hoặc 4 nhà xuất khẩu Việt Nam lớn nhất làm “bị đơn bắt buộc”. Các bị đơn bắt buộc này sẽ nhận được bảng câu hỏi chi tiết liên quan đến thuế chống trợ giá từ Bộ Thương mại Mỹ và phải trả lời bảng câu hỏi đó (cùng với bảng câu hỏi bổ sung, nếu có), ngoài ra các viên chức của Bộ Thương mại Mỹ sẽ kiểm tra cơ sở của các bị đơn bắt buộc.
Đây là lần thứ 2 trong khoảng 10 năm qua, con tôm Việt gặp rào cản pháp lý khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vụ kiện chống bán phá giá tôm cũng được nguyên đơn Mỹ khởi động vào dịp giáp Tết, thời điểm gây khó khăn cho phía doanh nghiệp Việt.
Bình luận gần đây