Tôm Việt Nam còn rất nhiều cơ hội


Việt Nam hiện có 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm

Thị phần còn rộng

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, Việt Nam hiện có 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm, có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Việt Nam cũng có nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, IDI… với trình độ chế biến hàng tinh chế thuộc top cao trên thế giới. 

Mặt khác, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tôm của thế giới đến năm 2020 là 5.200.000 tấn, đến năm 2025 sẽ là 6.525.000 tấn; trong đó, nhu cầu tôm của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản cũng liên tục tăng và sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào hai trị trường này còn rất khiêm tốn. Năm 2017, sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ mới chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu nhập khẩu tôm của quốc gia này. Đối với Nhật Bản, một thị trường ưa chuộng sản phẩm tôm, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng mới chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu nhập khẩu. 

Về các nhóm sản phẩm, tôm thẻ chân trắng chiếm 69% tổng sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ, tôm chì biển chiếm 7% và tôm sú 4%. Ở Nhật Bản tôm sú là sản phẩm truyền thống được ưa chuộng tại Nhật nhưng xu hướng này có khả năng thay đổi khi sản lượng tôm sú giảm và giá thành tăng cao. 

Gắng sức vượt thách thức

Tại Mỹ, Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản (SIMP) đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành tôm Việt Nam. Từ ngày 31/12/2018, các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn xuất khẩu tôm vào Mỹ phải cung cấp đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo chuỗi (khai báo dữ liệu đối với quá trình nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, vận chuyển và nhập khẩu).

Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, khi SIMP có hiệu lực, bên cạnh khoản ký quỹ từ thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp còn phải tốn thêm thời gian, công sức và một khoản kinh phí nhất định để hoàn chỉnh bộ hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, tức là mỗi lô hàng tôm từ trên 1.000 kg phải có địa chỉ nơi nuôi tôm và giấy phép sản xuất do ngành chức năng cấp. Đây thật sự là khó khăn lớn cho doanh nghiệp vì hầu hết người nuôi tôm khu vực ĐBSCL có quy mô nhỏ, lẻ, nên số lượng hồ sơ sẽ rất lớn.

Ông Jiro Takeuchi, Giám đốc Công ty Giao dịch và Tư vấn thủy sản Bomneia cho rằng, những thị trường chiến lược của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU đều có sự kiểm soát chặt chẽ đối với vấn đề dư lượng kháng sinh và an toàn thực phẩm. Các thị trường này cũng đòi hỏi chứng nhận về vấn đề môi trường, xã hội, an toàn thực phẩm. Vì vậy, muốn khai thác tốt các thị trường xuất khẩu, Việt Nam phải tăng số lượng trại nuôi, nhà máy chế biến được chứng nhận biện pháp thực hành nuôi tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội và đáp ứng tiêu chuẩn của các hệ thống bán lẻ quốc tế. 

Mặt khác, cũng theo ông Jiro Takeuchi, Việt Nam cần đầu tư lớn vào các trại nuôi tôm siêu thâm canh được đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ, tăng sản lượng tôm không sử dụng hóa chất và thuốc cũng như các sản phẩm chế biến chất lượng cao để hướng khách hàng phân khúc cao. Nói cách khác, sản xuất thực phẩm an toàn và bền vững là điều kiện quan trọng để mở rộng thị trường trong tương lai.

>> Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta: Cần có quy hoạch vùng nuôi chi tiết hơn và có đầu tư thỏa đáng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, phải có chương trình gia hóa tôm bố mẹ cấp quốc gia và kiểm soát cung ứng tôm giống chặt chẽ hơn. Người dân và các doanh nghiệp cần thực hiện vùng nuôi lớn, quy mô trang trại theo chuẩn quốc tế trên cơ sở thành lập hợp tác xã nuôi hoặc tích tụ ruộng đất.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *