Tôm Việt giảm mạnh thị phần ở Mỹ
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công thương, xuất khẩu tôm của Việt Nam nửa đầu năm 2017 tới Mỹ giảm 10,6% về lượng và 6,8% về trị giá so cùng kỳ năm trước, đạt 24.000 tấn với trị giá tương ứng 273,5 triệu USD.
Năm 2016, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, đạt 65.000 tấn, kim ngạch 701,4 triệu USD. Nhưng đến nửa đầu năm 2017, Mỹ chỉ là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau EU và Nhật Bản.
Trong khi nhập khẩu tôm của Mỹ 5 tháng đầu năm 2017, đạt 254,1 nghìn tấn với trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 5,3% về lượng và 8,6% về trị giá so cùng kỳ năm trước. Thị phần tôm của Việt Nam đã giảm 20,1% về lượng và 19,9% về trị giá nhập khẩu tôm của Mỹ, chỉ đứng thứ 5 sau Ấn Độ, Indonesia, Ecuador và Thái Lan.
Giá nhập khẩu trung bình tôm vào Mỹ trong tháng 5/2017 đạt 10,6 USD/kg, tăng 0,21 USD/kg, cao nhất kể từ đầu năm 2017. Mặc dù, giá nhập khẩu tăng, nhưng lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ vẫn cao, điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng tôm ở Mỹ tăng cả về lượng và chất.
Nguyên nhân chính khiến thị phần tôm của Việt Nam ở Mỹ giảm trong giai đoạn nửa đầu năm 2017 có thể kể đến một số nhân tố sau:
Thứ nhất, theo FDA tính đến hết tháng 6/2017, cơ quan này đã từ chối 47 lô hàng tôm nhập khẩu do dư lượng kháng sinh cấm, trong đó có 12 lô hàng tôm của Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính khiến thị phần tôm của Việt Nam bị sụt giảm tại thị trường Mỹ. Nếu tình trạng vi phạm tiếp tục kéo dài thì ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam tới Mỹ.
Thứ hai, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố phán quyết về nâng mức thuế chống bán phá đối với tôm Việt Nam đã xuất sang Mỹ trong giai đoạn 1/2/2013 – 31/1/2014 lên 1,42% thay vì 1,16% như trước đó. Đáng chú ý, DOC đã thay Bangladesh bằng Ấn Độ để làm quốc gia tham chiếu trong việc tính thuế. Điều này sẽ là thêm rào cản cho tôm xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ.
Theo đó, các cơ quan quản lý phải phối hợp chặt với VASEP cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu có các đơn hàng vi phạm theo FDA công bố để tránh tình trạng lặp lại trong các tháng tiếp theo, ảnh hưởng tới hình ảnh xuất khẩu tôm của Việt Nam trên thị trường thế giới.
>> Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương): Do khó khăn trong xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp Việt nên đa dạng thị trường, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu ổn định; tuân thủ quy định của Mỹ về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất; cùng đó, chủ động phối hợp tích cực với cơ quan Nhà nước trong đàm phán tháo gỡ thị trường và đấu tranh với những quy định của Mỹ có tác động bất lợi tới xuất khẩu của Việt Nam. |
Bình luận gần đây