Tôm Việt “ghi dấu” tại các thị trường lớn

Mỹ

Là thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam. Tính tới giữa tháng 12, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 1 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm 2020, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam có tỷ trọng tăng trưởng cao nhất trong các tháng (11 – 49%).

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ tăng cao khi thị trường này mở cửa trở lại hậu COVID-19, vaccine được bao phủ diện rộng và các dịp lễ cuối năm. Năm 2022, thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh do nhu cầu của Mỹ và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch COVID-19. Ngoài ra, ngành thủy sản của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021.

Giá trung bình xuất khẩu tôm tăng từ 11 USD lên 13 USD/kg. Tôm Việt Nam chiếm 12% thị phần nhập khẩu tại thị trường Mỹ, đứng thứ 4 sau Ấn Độ (38%), Indonesia (20%), Ecuador  (17%).

Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm gần 45% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Ảnh: Nguyệt Nga

CPTPP

11 tháng, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 905,225 triệu USD, giảm 0,2% so cùng kỳ năm 2020.

 

Nhật Bản

Đứng đầu trong khối CPTPP là Nhật Bản. Quốc gia này là thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm. 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 534,463 triệu USD, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, đây là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của nước ta. Mặt hàng tôm của Việt Nam hiện phải cạnh tranh gay gắt với tôm của Ấn Độ và Ecuador, khi 2 nước này đẩy mạnh mở rộng thị trường. Tại Nhật Bản, Việt Nam là nguồn cung cấp tôm lớn nhất, chiếm 25% thị phần. Trong khi Ấn Độ chiếm 17%, Indonesia chiếm 16%. Nhật nhập khẩu chủ yếu là tôm nước ấm đông lạnh và chế biến (92%).

 

Canada

Canada là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam trong khối CPTPP. Tính tới tháng 11/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada ước đạt 166,5 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, xuất khẩu tôm sang Canada sau khi giảm trong tháng 8 và 9, đã phục hồi trở lại trong 2 tháng 10 và 11. Canada là quốc gia có thu nhập người dân cao, xu hướng nhập khẩu tôm nước ấm từ châu Á của thị trường này tăng nên cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này còn nhiều dư địa.

Australia

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia ước đạt trên 164 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến tháng 7 /2021, xuất khẩu tôm sang Australia tăng trưởng mạnh. Sau đó giảm trong 3 tháng 8, 9, 10 và phục hồi trở lại trong tháng 11. Tôm Việt Nam hiện đứng đầu top các nguồn cung tôm Australia. Đây là thị trường tiềm năng của tôm Việt.

EU

Theo VASEP, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU chỉ giảm trong 2 tháng 8 và 9 do nhà máy chế biến phải giảm công suất hoạt động để phòng dịch COVID-19, các tháng còn lại đều tăng trưởng dương. Tính đến tháng 11/2021, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 548,594 triệu USD, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2020.

EU hiện chiếm 16% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này phục hồi nhanh trong giai đoạn từ tháng 3 – 7. Tuy nhiên, giảm mạnh trong tháng 8 – 9 do dịch COVID-19 và hồi phục lại từ tháng 10. Trong đó, thị trường Đức, Hà Lan, Bỉ chiếm 65% – 73% xuất khẩu tôm vào EU.

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Đức, chiếm 19%. 11 tháng, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Đức đạt 137,705 triệu USD, tăng 22,1% so cùng kỳ năm 2020; Hà Lan đạt 139,158 triệu USD, tăng 4,9%; Bỉ đạt 102,323 triệu USD, tăng 15,8%.

Sau một năm Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU cũng đã ghi nhận những sự tăng trưởng khá. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi hết sức khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phải thuận lợi. Chưa kể, tôm Việt Nam lại phải cạnh tranh với các nhà cung cấp tôm đỏ Argentina cũng như Ecuador.

Trung Quốc

11 tháng, giá trị tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 375,671 triệu USD, giảm 24,4% so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu liên tục sụt giảm (9 – 35%) vì quy định kiểm soát chặt chẽ COVID-19 tại các cảng nhập khẩu cả đường hàng không, đường biển và biên giới của Trung Quốc.

Năm 2020, Trung Quốc chiếm 14,6% xuất khẩu tôm của Việt Nam, song năm 2021 chỉ còn chiếm 10,6%. Từ năm 2020 trở lại đây, Trung Quốc tăng nhập khẩu tôm khô, giảm mạnh tôm sú từ Việt Nam.

Thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã tăng cường kiểm tra đối với thủy sản chuỗi lạnh. Cho đến ngày 29/10, GACC đã kiểm tra hơn 400 nhà sản xuất thực phẩm chuỗi lạnh quốc tế và đình chỉ 154 công ty nhập khẩu do lây nhiễm từ các nhân viên. GACC cũng đã đình chỉ nhập khẩu đối với 221 công ty quốc tế từ 1 – 4 tuần sau khi phát hiện các bao bì sản phẩm của họ dương tính với COVID-19. Trước tình hình kiểm soát khắt khe của Hải quan Trung Quốc, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Hàn Quốc

Hàn Quốc chiếm 9,4% xuất khẩu tôm Việt Nam, tăng ít hơn so với các thị trường khác. 11 tháng, giá trị tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 335,507 triệu USD, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chiếm tỷ trọng chi phối 43% nhập khẩu tôm của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc có xu hướng tăng mạnh nhập khẩu tôm Thái Lan và Ecuador (tăng lần lượt 50% và 35%) trong 9 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, việc nước này chuyển đổi sang kế hoạch sống chung với COVID-19 vào tháng 11, mở rộng tiêu dùng cá nhân, cắt giảm thuế dầu được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng tại Hàn Quốc. VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong quý cuối năm nay vẫn ghi nhận tăng trưởng dương, đưa kim ngạch cả năm tăng khoảng 3 – 5% so với năm ngoái.

Hiện, giá xuất khẩu trung bình tôm sú của Việt Nam sang Hàn Quốc dao động từ 11,7 – 14,6 USD/kg trong khi giá trung bình xuất khẩu TTCT dao động trong khoảng 7,9 – 8,3 USD/kg.

Anh

Anh là thị trường tiềm năng, chiếm 6% xuất khẩu tôm Việt Nam. 11 tháng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 214,474 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện, tôm Việt Nam đứng đầu top các nguồn cung tôm cho Anh. Nhờ lợi thế các FTA, tôm Việt càng tăng thị phần tại thị trường này.

Bên cạnh lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ xuất khẩu tôm, điều quan trọng nữa khiến tôm Việt Nam được nhập khẩu mạnh vào Anh, đó là do ý thức bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh xu hướng tiêu thụ ngày càng nhiều thủy sản hơn, người dân Anh còn muốn trải nghiệm nhiều loại thủy sản mới như tôm nước ấm ngoài những mặt hàng thủy sản truyền thống như cá tuyết cod, cá hồi, cá ngừ hoặc tôm nước lạnh.

Anh Vũ

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *