Tôm Việt gặp khó: Áp thuế kiểu Mỹ
Phi lý
DOC vừa ra quyết định cuối cùng về mức thuế CBPG tôm nước ấm đông lạnh nhập vào Mỹ, đợt POR8, giai đoạn 1/2/2012 – 31/1/2013. DOC kết luận các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đều bán phá giá; mức thuế rất cao.
Hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế CBPG 4,98% và Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) chịu mức thuế cao nhất (9,75%). Thuế suất bình quân 6,37% được áp dụng cho gần 30 nhà xuất khẩu khác không được chọn làm bị đơn bắt buộc.
Trước đó, trong lần xem xét hành chính thứ 7 (năm 2013), DOC kết luận các doanh nghiệp tôm Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại gì cho doanh nghiệp Mỹ, và áp thuế bằng 0% cho tất cả 32 doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ sau 1 năm, vẫn cách thức xem xét tương tự, nhưng ở POR8, DOC lại kết luận các doanh nghiệp Việt Nam đều bán phá giá, với mức thuế cao nhất trong 8 chu kỳ (8 năm) tính thuế của DOC. Cách tính toán, xem xét của DOC đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có những điểm bất hợp lý, thiếu cơ sở khoa học.
Trước quyết định cuối cùng của DOC trong đợt POR8, hơn 30 doanh nghiệp phải chịu thuế CBPG đợt này đều quyết liệt phản đối, khẳng định DOC đã rất bất công khi sử dụng phương pháp tính toán riêng biệt đối với tôm Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng cho rằng phương pháp tính giá mà DOC áp dụng lần này thiếu khoa học, về cả thống kê lẫn thực tiễn. “Ðiều này thể hiện ngay trong kết quả DOC công bố, khi mức thuế CBPG kỳ này tăng cao đột biến, trong khi mức thuế của kỳ xem xét trước (POR7) là 0% đối với tất cả các doanh nghiệp”, ông Lĩnh bức xúc.
Với POR8, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó – Ảnh: An Đăng
Doanh nghiệp bất bình
Đây không phải lần đầu Mỹ dùng kiểu áp thuế này như một hình thức bảo hộ thị trường nội địa. Với ngành thủy sản Việt Nam, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường luôn gây “hồi hộp” vì chuyện áp thuế CBPG hằng năm với cách áp thuế cũng hoàn toàn ngẫu hứng, thiếu cơ sở và không hợp lý.
Từ năm 2002, Mỹ đã thực hiện các vụ kiện CBPG tôm đông lạnh đối với Việt Nam. Với lý do nền kinh tế Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường, Mỹ không chấp nhận mức giá do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, mà sử dụng giá tham khảo tại một nền kinh tế thị trường có mức độ phát triển tương đương Việt Nam.
Tháng 2/2010, Việt Nam bắt đầu đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tháng 7/2011, WTO phán quyết Mỹ xâm phạm luật thương mại toàn cầu khi tính toán thuế CBPG với mặt hàng tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam. Tuy nhiên từ đó tới nay, Mỹ phớt lờ phán quyết của WTO, tiếp tục áp dụng mức thuế này đối với Việt Nam và nhiều nước khác xuất khẩu vào Mỹ.
Đặc biệt, ở lần POR8, phương pháp tính thuế của DOC dựa trên việc sử dụng hệ số quy chiếu của Bangladesh là không phù hợp, vì giá đầu vào tôm nuôi ở Bangladesh từ trước đến nay luôn cao hơn Việt Nam, kỹ thuật nuôi tôm của Bangladesh cũng hạn chế hơn Việt Nam, nên đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Như vậy, khi nào Việt Nam chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn, bởi DOC chọn những nước làm căn cứ để so sánh với Việt Nam đều không có sự tương đồng, luôn gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thời gian để doanh nghiệp Việt Nam khiếu nại chỉ còn dưới 1 tháng. Rất có thể “chờ được vạ, má đã sưng”; bởi hiện nay, khi thông tin về việc áp thuế CBPG của DOC vừa đưa tới, giá tôm nguyên liệu trong nước đã giảm thê thảm. Nhiều hộ thu hoạch xong tôm đang tính ngừng nuôi vụ mới, vì lo giá rớt sâu hơn. Nếu điều này xảy ra, không chỉ nông dân chịu thiệt mà chính doanh nghiệp sản xuất chế biến tôm cũng khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên mở rộng, đa dạng thị trường hơn. Đặc biệt, khi thị trường Nga đang mở cửa và tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam thì các doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt để tạo thế cân bằng cho mình.
Bình luận gần đây