Tôm Việt đột phá tại nhiều thị trường
Duy trì tăng trưởng
Theo thống kê của VASEP, top 10 thị trường nhập khẩu tôm 2 tháng đầu năm 2021, ngoài các nước như top 10 của năm trước (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Canada, Anh, Đức, Hong Kong), đã có thêm Hà Lan thế chân cho Singapore, sau khi xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh 27%, trong khi xuất khẩu sang Singapore giảm lao dốc 97%. Vị trí trong top 10 thị trường có sự thay đổi bởi sự đột phá trong giá trị xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Canada, Đức, Hà Lan (tăng lần lượt 14%, 115%, 14%, 20% và 27%) và sự chững lại của thị trường Nhật, Anh, Hong Kong (giảm lần lượt 6%, 75% và 29%).
Mỹ vẫn giữ phong độ khi là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Dữ liệu thương mại thủy sản của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho thấy, nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong năm 2021. Trong tháng 1/2021, Mỹ đã nhập khẩu 69.452 tấn tôm trị giá 601,6 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 6% về giá trị so với tháng 1/2020. Giá nhập khẩu trung bình của Mỹ ở mức 8,64 USD/kg, giảm 1% so mức 8,69 USD/kg vào tháng 1/2020 và giảm 3% so với mức 8,89 USD/kg vào tháng 12/2020. Đầu năm mới dường như có sự tiếp nối của xu hướng tăng trong hầu hết năm 2020. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho hay, nhập khẩu tôm vào Mỹ năm 2021 sẽ tiếp tục tăng đạt mức vượt 800.000 tấn với trị giá ở mức 7,78 tỷ USD, tăng 1,2% về lượng và 1,2% về trị giá so năm 2020. Cơ cấu thị trường cung cấp tôm cho Mỹ cũng sẽ có sự thay đổi mạnh trong năm 2021, phụ thuộc nhiều vào diễn biến và khả năng kiểm soát dịch của các nhà cung cấp tôm trên thế giới.
Biểu đồ: TSVN; Nguồn: TCHQ
Còn đối với thị trường Nhật Bản, năm 2020, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật chiếm 25,13% về lượng và 26,54% về trị giá, đạt 55.050 tấn với trị giá 64,4 tỷ Yên, tương đương 608 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so năm 2019. Mức giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam năm 2020 đạt 1.170 Yên/kg, giảm 28,77 Yên/kg so năm 2019. Mức giá này là cao nhất trong nhóm 3 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chỉ thấp hơn một chút so với nhà cung cấp lớn thứ 4 là Thái Lan. Dự báo, dịch COVID-19 sẽ không còn tác động mạnh tới nhập khẩu tôm của Nhật Bản. Nhập khẩu tôm của Nhật Bản trong năm 2021 sẽ tăng nhẹ đạt 225.000 tấn với trị giá 250 tỷ Yên, tăng 2,7% về lượng và tăng 3% về trị giá so năm 2020; trong đó Việt Nam vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản.
Trong khi đó, theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào thị trường Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10 – 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng tôm tại thị trường này.
Đột phá tại Australia
Trong top 10 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam, thì Australia có sự tăng tốc đáng kể nhất, đưa thị trường này từ vị trí thứ 10 vào top 4 chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai tháng đầu năm 2020 có 35 công ty tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường này, sau 1 năm đã có thêm 12 công ty nữa.
Số doanh nghiệp xuất khẩu tăng cùng với kim ngạch xuất khẩu của các công ty lớn tăng là yếu tố mang lại kết quả khả quan cho xuất khẩu tôm sang Australia.
Trong đó, riêng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã chiếm 37% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia và có doanh số tăng vọt 159% so cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Minh Phú, CASES, Agrex Sài Gòn, SEAVINA, Thủy sản Quang Minh, Thủy sản Hải Sáng, O&H LOONG PTY…; trong 2 tháng đầu năm nay còn có Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Australia.
Xuất khẩu tôm sang Australia tăng trưởng ngoạn mục chủ yếu nhờ TTCT, tăng 192% và chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu tôm; trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 3,7% và chỉ chiếm 1,4% xuất khẩu, còn lại là các loại tôm khác chiếm 6,5%, giảm 2% xuất khẩu.
Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Australia trong 2 tháng đầu năm gồm: TTCT tươi lột vỏ, bỏ đầu, còn đuôi đông lạnh, TTCT PD tươi đông lạnh, TTCT PD/tẩm bột hấp/luộc đông lạnh, TTCT tẩm bột đông lạnh, tôm chế biến khác (sủi cảo, há cảo, chả giò, tôm thịt tẩm gia vị…), tôm sú tươi, đông lạnh… Đáng chú ý, ngoài các sản phẩm truyền thống, 2 tháng đầu năm nay Australia nhập khẩu nhiều tôm khô của Việt Nam (giá trị 81 triệu USD), trong khi cùng kỳ năm ngoái thị trường này không nhập tôm khô.
>> Hiện, diễn biến chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn; xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Australia, Canada vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan; thị trường EU sẽ phục hồi. Việt Nam sẽ duy trì sản xuất, tạo lợi thế nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu khi dịch COVID-19 được khống chế. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 tăng 15% so năm 2020, đạt khoảng 4,4 – 4,5 tỷ USD.
Vân Anh
Bình luận gần đây