Tôm châu Á: Chiến lược “phủ sóng” thị phần tại EU
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây nhiều trở ngại logistics cho các hãng tôm châu Á. Những yếu tố này cộng với khó khăn về nhập khẩu tôm bố mẹ và vận chuyển tôm giống, cùng sự bất ổn về cầu thị trường, giá bán thấp, trong khi nông dân vẫn gồng mình chiến đấu với các đợt bùng phát dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp và chi phí sản xuất cao. Theo nhiều doanh nghiệp trong ngành tôm châu Á như: INVE, Biomin, Corbion, BASF, Adisseo… vấn đề đáng lo ngại của tôm châu Á hiện nay là giành lấy vị trí tại các thị trường truyền thống như châu Âu, trước đối thủ cực kỳ mạnh là tôm Ecuador.
Tôm Nam Mỹ – đối thủ mới nổi
Theo Willem Van der Piji, chuyên gia trên Shrimp Insights, tổng khối lượng tôm đưa ra thị trường trong năm 2020 là 250.000 tấn TTCT, trong đó gồm 180.000 tấn đến từ Nam Mỹ còn tôm sú là 30.000 tấn. Thông thường, tôm Nam Mỹ được tiêu thụ ở thị trường miền Nam EU như tôm HOSO và tôm từ châu Á được tiêu thụ ở Tây Bắc EU.
Nhập khẩu tôm của châu Âu, đặc biệt là từ châu Á gần như chững lại từ năm 2019. Nhưng trong năm ngoái, nhập khẩu TTCT đã tăng chứng tỏ sản phẩm này tiêu thụ tốt hơn tại kênh bán lẻ và nguyên nhân nữa là do chiến lược đẩy mạnh thị trường từ các hãng tôm Ecuador. Quan trọng hơn, theo Willem, trong năm 2020, trong khi thị phần tôm Nam Mỹ đã tăng gần 15% lên 177.300 tấn, dẫn đầu là Ecuador và Venezuela, thì các nhà cung cấp tôm của châu Á lại để tuột mất thị phần từ mức gần 81.200 tấn trong năm 2019 còn 75.300 tấn. Tăng trưởng của tôm Nam Mỹ tại thị trường EU chủ yếu rơi vào Ecuador, với khối lượng xuất khẩu tăng từ 89.000 tấn trong năm 2015 lên 123.500 tấn trong năm 2020.
Tỷ trọng xuất khẩu của các mặt hàng tôm HOSO/HLSO của châu Á chiếm 75% trong cơ cấu mặt hàng TTCT xuất khẩu. Riêng tôm thịt chín và giá trị gia tăng lên tới 28.000 tấn vào năm 2020. Tại châu Âu, xu hướng giảm nhập khẩu tôm từ châu Á đã bắt đầu xuất hiện, tốc độ tăng trưởng kép CAGR giai đoạn 2015 – 2020 là -4% trong khi GAGR của Nam Mỹ là +7%. Cùng thời gian đó, CAGR của Ấn Độ và Bangladesh lần lượt là -9% và -5%, nhưng CAGR của Việt Nam lại tăng 6%. Ấn Độ đã đánh mất vị trí đầu bảng trong phân khúc tôm nguyên liệu và tôm lột vỏ khi vướng vào những rắc rối liên quan đến tồn dư kháng sinh tại thị trường châu Âu.
Tương lai cho tôm châu Á
Những doanh nghiệp như Lourdees Chingling Tanco, Mida Trade Ventire tại Philippines và Marine Technologies Ấn Độ đều bày tỏ lo lắng về những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt trong thời gian tới tại thị trường châu Âu. Van der Piji chia sẻ rằng, tương tự như Ecuador, chiến lược liên thủ với nhau để tăng sức cạnh tranh trước đối thủ chung là điều cần thiết đối với tôm châu Á lúc này để được công nhận là những sản phẩm an toàn, bền vững và chất lượng.
Tại các thị trường Bắc châu Âu, tôm Nam Mỹ chưa thực sự có thế mạnh cạnh tranh trong phân khúc tôm lột vỏ đông lạnh. Theo nhiều chuyên gia, thậm chí giá giảm, thì đây cũng không phải là yếu tố duy nhất tác động tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng châu Âu. Các hãng sản xuất Ecuador sẽ muốn đảm bảo rằng họ không mất thị phần khi muốn giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo Willem Van der Piji, tại Hội nghị bàn tròn NTTS 2021 (TARS 2021), đây là điều đáng suy ngẫm. Ông tin chắc rằng tôm châu Á có thể cạnh tranh về chất lượng và tính bền vững với các hãng cung cấp tôm Nam Mỹ. Tuy nhiên, Ecuador đã chớp thời cơ phát triển dòng tôm hảo hạng để cạnh tranh với tôm châu Á và giá bán cũng cao hơn. Xu hướng “cao cấp hóa” mặt hàng đang thịnh hành hơn, không chỉ với sản phẩm tôm.
Nhận thức của người tiêu dùng ngày càng nâng lên, buộc các hãng bán lẻ phải áp dụng nhiều biện pháp quản lý chất lượng nghiêm ngặt hơn, trên cả chứng nhận. Đây là thời điểm mà các hãng tôm châu Á nên tính đến việc liên thủ để gia tăng sức cạnh tranh; đồng thời xây dựng chuỗi hoạt động ăn khớp giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến thủy sản, người nuôi tôm và trại giống.
Angel Rubio, chuyên gia phân tích tại Urner Barry Quan cho biết, điều quan trọng là người tiêu dùng châu Âu đã đánh giá Ecuador là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công thương hiệu quốc gia (SSP) thông qua chiến dịch marketing của các hiệp hội quốc gia và 5 doanh nghiệp tôm hàng đầu cùng với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, tại thị trường châu Âu, Van der Piji kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ tôm châu Á sẽ tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Tây Bắc châu Âu từ nay đến năm 2022. Ở miền Bắc châu Âu, nhu cầu tiêu thụ tôm cỡ lớn hơn vẫn tăng cao, bất chấp sự đe dọa của biến chủng Delta, Angel Rubio dự báo cầu và giá của sản phẩm này sẽ tiến triển tích cực vào cuối năm 2021.
>> Chuyên gia Van der Piji cho biết, các hãng tôm Venezuela thông tin rằng họ có khả năng tăng gấp đôi lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu trong vài năm tới (mức xuất khẩu hiện nay là 20.800 tấn). Không chỉ Venezuela, tất cả các quốc gia nuôi tôm quy mô nhỏ hơn ở Nam Mỹ cũng đang sẵn sàng chớp thời cơ để tăng thị phần tại thị trường châu Âu. |
Vũ Đức
Tổng hợp
Bình luận gần đây