Tín hiệu “xanh” từ châu Âu
Chính thức được “minh oan”
Sự kiện cá tra Việt Nam chính thức được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa vào “danh sách xanh” tại hai nước Bắc Âu kể trên có thể coi là một cú “ngược dòng” ngoạn mục của ngành thủy sản Việt Nam.
Cách đây không lâu, dựa trên dữ liệu thiếu thực tế, chính WWF Bắc Âu đã đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ” trong Fish Guide lưu hành ở một số nước châu Âu, khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng, vì WWF cho rằng nghề nuôi cá tra Việt Nam ảnh hưởng tới môi trường. Sự kiện này đã ảnh hưởng nặng nề không chỉ đối với nghề nuôi, chế biến cá tra mà đối với toàn ngành thủy sản Việt Nam suốt thời gian dài.
Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của Việt Nam, WWF đã buộc phải rút cá tra khỏi “danh sách đỏ”. Tuy nhiên, loại thuỷ sản “số 1” này chỉ thực sự được “minh oan” khi mới đây chính WWF đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách xanh”, công nhận cá tra Việt Nam được nuôi trên cơ sở phát triển bền vững, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và xếp cá tra vào danh sách những loại thủy sản tốt cho sức khỏe, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng. Thông tin này ngay sau đó đã tác động lớn đến người dân cũng như các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu cá tra trong nước. Nhiều người nuôi cá thở phào bởi trong bối cảnh giá cá tra đang thấp, người nuôi “treo ao” gần hết thì tin vui này giống như liều thuốc kích thích tăng giá, giúp người nuôi có thể gượng dậy sau thời gian dài thua lỗ. Các DN xuất khẩu cá tra cũng không giấu nổi niềm vui khi thấy được “ánh sáng le lói” trong tình hình ảm đạm hiện nay.
Cần sớm có quy chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm fillet cá tra xuất khẩu – Ảnh: Lê Công Hân
Thực tế thời điểm này, thị trường tiêu thụ ở một số nước có dấu hiệu khởi sắc do nhu cầu cho lễ Giáng sinh 2012, mừng năm mới 2013, nhưng giá thu mua cá tra ở ĐBSCL lại giảm còn 20.500 – 21.700 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ 3.000 – 3.300 đồng/kg. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có khoảng 160 DN xuất khẩu cá tra (giảm 30% so năm 2011) nhưng chỉ có chừng 20% DN duy trì được xuất khẩu ổn định, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng…
Hiện, cá tra vẫn là mặt hàng “độc quyền” của Việt Nam. Tuy nhiên, những thăng trầm của loài cá này thời gian qua cho thấy, càng độc quyền càng chịu nhiều sức ép. “Để ngành cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới, ngoài việc chú trọng mở rộng thị trường, các yếu tố về chất lượng cũng cần được quan tâm đúng mức. Có như thế DN mới tự cứu được mình thoát khỏi các rào cản của thị trường thế giới…” – Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đánh giá.
Rộng cửa cho xuất khẩu
Năm 2012 là năm “sóng gió” đối với ngành xuất khẩu cá tra, bởi liên tiếp phải đối mặt hàng loạt trở ngại lớn từ nguồn vốn eo hẹp, giá nguyên liệu tăng cao… đến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Tính đến giữa tháng 11/2012, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước…
Những lo toan về xuất khẩu trong năm 2013 như càng lớn hơn, khi các chuyên gia dự báo tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, thông tin cá tra Việt Nam lọt vào “danh sách xanh” được xem là cơ hội tốt để ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam lấy lại niềm tin của người tiêu dùng tại EU cũng như mở rộng thị trường ra nhiều nước khác. Tất nhiên, để đón đầu được cơ hội, ngành xuất khẩu cá tra cần phải có điều chỉnh phù hợp tình hình hiện tại của toàn ngành cũng như xu thế thị trường thế giới.
Hiện nay, do cung vượt cầu, nhiều đơn vị xuất khẩu cá tra chất lượng chưa cao, giá bán thấp để thu hút người mua, khiến người tiêu dùng lầm tưởng cá tra chỉ là loài thủy sản giá trị thấp. Do đó, lấy lại vị thế giá trị thực của cá tra là việc làm cấp bách trong năm tới. Để làm được việc này, cần sàng lọc lại các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, loại bỏ các đơn vị làm ăn chụp giựt để phát triển bền vững. Đồng thời, phải sớm có được bộ quy chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm fillet cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, trước hết ngành xuất khẩu cá tra cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất, nguyên liệu trong nước trên cơ sở quy hoạch. Sau đó là kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, nhất là giống, thức ăn, chế phẩm…; qua đó giảm chi phí cho người nuôi bằng việc chuyển giao khoa học công nghệ cho sản xuất và kiểm soát quy trình. Việc kết nối người nuôi – doanh nghiệp trong chuỗi sản phẩm từ ao nuôi tới chế biến và xuất khẩu là yêu cầu không mới nhưng cần được đặc biệt chú ý trong giai đoạn tới, để nâng giá trị cho cá tra Việt Nam trên thị trường.
>> “Được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển theo hướng bền vững, được khuyến khích sử dụng, cá tra Việt Nam có thêm cơ hội để tăng uy tín cũng như sắp xếp lại giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là bước khởi sắc ban đầu cho hoạt động xuất khẩu cá tra trong tình hình nhiều khó khăn hiện nay” – Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định. |
Bình luận gần đây