Tín hiệu vui từ thị trường Brazil, Trung Quốc
Cá tra sẽ lại vào Brazil
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Cục đã trao đổi với các đơn vị liên quan của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), có thư gửi Trưởng cơ quan thú y Brazil và đại diện Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng của Brazil để cung cấp tài liệu, đồng thời giải thích về yêu cầu của Brazil đòi hỏi Việt Nam phải có “Kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch bệnh cá tra” là không hợp lý về kỹ thuật, thực tiễn với điều kiện của Việt Nam và không có cơ sở pháp lý, cũng như trái với các quy định của OIE, WTO và Văn phòng và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS).
Đến ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ Đánh bắt và Nuôi trồng Thủy sản Helder Barbalho đã có Thông báo số 038/2015 – MPA gửi bà Kátia Abreu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng đề nghị Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng “tái cấp phép cho các hoạt động nhập khẩu” và “hủy quyết định tạm đình chỉ cấp phép nhập khẩu thủy sản và các sản phẩm nuôi trồng và/hoặc đánh bắt thủy sản của Việt Nam”.
Cũng trong ngày 27/3, Trưởng Điều phối các Chương trình Đặc biệt thuộc Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng đã có Thông tư số 266/2015/CGPE/DIPOA gửi Lãnh đạo quản lý liên bang về Nông nghiệp để phổ biến về Thông báo số 038/2015 – MPA.
Quý 1/2015 sản lượng cá tra của nhiều tỉnh ĐBSCL tăng – Ảnh: Gia Bảo
Cục Thú y đã làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; được biết đã có một số doanh nghiệp đang khẩn trương làm các thủ tục tái xuất cá tra trở lại thị trường Brazil ngay trong tháng 4/2015. Trước đó, Brazil đã ngừng cấp phép nhập khẩu sản phẩm cá tra có xuất xứ Việt Nam từ ngày 22/9/2014 với lý do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Triển vọng xuất sang Trung Quốc
Theo thống kê của ngành Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá tra đến tháng 2/2015 đạt gần 225 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tthị trường Trung Quốc lại đang tăng giá trị xuất khẩu cho mặt hàng này.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do tính chu kỳ, diễn biến thị trường và sự thay đổi của tỷ giá USD với đồng EURO thay đổi. Các thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam như Mỹ (chiếm 20,9% ), EU (chiếm 15,3% ) từ đầu năm đến nay đều giảm mạnh từ 20% đến hơn 26% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm 2015 giảm là không đáng ngại, bởi tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra trong Quí I/2015 đều có dấu hiệu tích cực; tính chung diện tích thả nuôi, diện tích thu hoạch và sản lượng phục vụ chế biến xuất khẩu đều tăng. Trong đó thả nuôi mới 828 ha, tăng 15,34%; diện tích thu hoạch 714 ha (năng suất 290 tấn/ha tăng 11 tấn); sản lượng 206.950 tấn, tăng 7,67% so với cùng kỳ 2014. Đặc biệt là giá cá tra nguyên liểu và giá xuất khẩu đều bình ổn ở các thị trường, trong đó giá mua chế biến 22.000 – 23.000đ/kg, ở mức giá này sau khi trừ chi phí người nuôi lãi 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Theo ông Võ Hùng Dũng, ngành hàng cá tra cần phải vượt qua nhiều thách thức ở phía trước, như phải thực thi tốt Nghị định 36/CP của Chính phủ, đặc biệt là tất cả các vùng nuôi phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, tỷ lệ mạ băng trong sản phẩm xuất khẩu cần thống nhất từ 10 – 15% (tương đương hàm ẩm 83,6%). Tuy vậy, triển vọng cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang được mở ra ở thị trường khác, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Brazil, ASEAN…, những thị trường này sẽ giúp ngành hàng cá tra tăng trưởng bù lại cho thị trường Mỹ và EU vào các quý kế tiếp .
Dẫn số liệu về thị trường triển vọng Trung Quốc, ông Dũng cho hay xu thế xuất khẩu cá tra nhiều khả năng tiếp tục thay đổi, Mỹ và EU vẫn có thể giảm thêm, nhưng Trung Quốc sẽ tăng cao (hiện chỉ chiếm 8,5%/ tổng giá trị xuất khẩu), nhưng đã tăng lên 58% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo giới quan sát, thị trường Trung Quốc yếu tố ổn định không cao, do vậy, với động thái trên của Brazil sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thêm lựa chọn và tự cân đối được thị trường để tránh rủi ro.
Bình luận gần đây