Tiêu thụ cá tra nội địa: “Mỏ vàng” còn bỏ ngỏ?

Nhiều lần phát động

Từ những năm 2000, ngành cá tra và basa đã đặt ra vấn đề tiêu thụ trong nước, thậm chí có lúc đưa ra khẩu hiệu “ăn cá tra mỗi ngày”; song việc tiêu thụ không mấy thuận lợi. Có hiện tượng phổ biến: “Người ở vùng nuôi tra và basa tiêu thụ ít hơn ở vùng không nuôi”. Tiêu thụ trong nước chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ chứ không phải vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi nuôi nhiều cá tra, basa.

Người đang ở vùng nuôi cá tra, basa nhưng ít ăn sản phẩm của mình, là điều đáng lo ngại, do thực phẩm được tiêu dùng hằng ngày. Nếu người dân không sử dụng loại thực phẩm này thì họ sẽ chuyển sang thực phẩm khác. Ban đầu, cá tra được nuôi lồng chủ yếu bán trong nước; nhưng từ khi xuất khẩu phát triển, diện tích và sản lượng cá tra rất lớn thì tiêu thụ trong nước không chiếm vị trí đáng kể nữa. Ngoài ra, nhìn chung người dân vẫn quen ăn cá đánh bắt và các loại thịt. Chỉ trong thời kỳ dịch cúm gia cầm xảy ra, do khan hiếm thực phẩm thì việc tiêu thụ cá tra trong nước mới “bùng nổ” và giá tiêu thụ trong nước cao hơn bán ra nước ngoài.

Từ khoảng năm 2010 đến nay, tiêu thụ cá tra tại thị trường trong nước không tăng trưởng nhiều, mặc dù các doanh nghiệp đã có phần tích cực hơn trong công tác thúc đẩy. Cái lợi của tiêu thụ nội địa là thông qua các siêu thị có thể thu hồi vốn nhanh, giảm chi phí vận chuyển và không tốn nhiều chi phí quảng bá sản phẩm.

 

Giá trị gia tăng và nuôi trồng bền vững

Thời gian vừa qua, các công ty chủ yếu cung cấp sản phẩm tra, basa đã sơ chế, các sản phẩm trị giá gia tăng vào siêu thị và lượng tiêu thụ khá mạnh. Theo khảo sát, hầu hết các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đều tiêu thụ sản phẩm cá tra, basa dưới dạng sơ chế cùng các gia vị, các loại rau đặc trưng ăn kèm và các sản phẩm giá trị gia tăng. Có nhiều thời điểm, các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra, basa tiêu thụ trên thị trường nội địa chiếm gần 90% cho thấy người dân đã quan tâm các sản phẩm này.

tiêu thụ cá tra nội địa mỏ vàng còn bỏ ngỏ?

Cá tra được bày bán trong siêu thị nội địa – Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, do việc tuyên truyền quảng bá nhiều năm và việc sản phẩm tiêu thụ tốt trên các thị trường khó tính đã khiến người dân quan tâm hơn đến cá tra, basa tươi sống. Cuối năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, lượng cá tra, basa tươi sống tiêu thụ ở các chợ tăng mạnh, người dân bán cá tại bè cũng đã có lãi, và nếu họ trực tiếp đưa tới các chợ thì lãi còn cao hơn.

Một số tỉnh ĐBSCL những năm qua có thời điểm tiêu thụ 30% lượng cá tươi sống sản xuất ra; điều đó cho thấy người dân đã tin tưởng vào mặt hàng này. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là do quy trình nuôi cá thân thiện môi trường, đạt các tiêu chuẩn khắt khe đã tạo dư luận tốt trong người tiêu dùng trong nước.

 

Thương hiệu

Vấn đề thương hiệu cá tra, basa không phải vấn đề lớn tại thị trường nội địa, vì đa số người dân đều biết sản phẩm này; song không có nghĩa không cần quảng bá. Một khảo sát cho thấy, nhiều người tiêu dùng không phân biệt được cá tra, basa và một số loại cá khác. Một số người còn nói, theo họ thì cá basa to hơn cá tra và đó là cách phân biệt duy nhất. Khi sản phẩm bán ở siêu thị đã cắt khúc thì việc phân biệt cá tra, basa trở nên khó khăn hơn nhiều. Thậm chí các cơ quan truyền thông còn phản ánh việc người dân nghi ngờ các loại cá khác bị “làm giả” thành cá basa.

Một mẹo phân biệt hai loại cá này của dân gian, đó là dựa vào phần bụng. Cá basa nhiều mỡ hơn và có bụng mỡ khá lớn, nên người dân còn gọi loài cá này là cá bụng. Trong khi cá tra thì có thân mình thon dài.

Việc tiêu thụ cá tra tươi sống cũng được khuyến khích vì nó tránh việc mua phải “cá tra giả”, nhưng hiện nay phần lớn các công ty lại không có cửa hàng hay gian hàng tiêu thụ cá trên thị trường nội địa mà chủ yếu qua thương lái. Việc truy xuất nguồn gốc, địa phương hay nông trại không thực hiện được; do đó, người dân không biết cá tra tươi sống này được nuôi từ đâu và chất lượng thế nào. Chủ yếu việc tiêu thụ cá tra, basa tươi sống là thông qua chợ đầu mối. Cá từ các nơi đưa về được đổ dồn chung vào bể rồi phân chia ra theo kích thước để bán. Chính việc không có cạnh tranh về mặt xuất xứ đã khiến cho sức hấp dẫn của cá tra, basa chưa cao và giá cả cào bằng khiến cho việc phân loại thị trường tiêu thụ không khả thi.

 

Thị trường phía Bắc

Khác với con tôm được nuôi trồng nhiều nơi, cá tra, basa chủ yếu là sản vật của sông Cửu Long, do đó nó cũng có sức hấp dẫn với các tỉnh, thành phố khác. Mặt hàng đã chinh phục hàng trăm nước thì không lý gì không được người dân các tỉnh miền Trung, miền Bắc Việt Nam đón nhận. Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh mỗi ngày tiêu thụ vài trăm tấn cá tra, basa tươi sống qua các chợ đầu mối và thương lái, chưa kể các siêu thị, nhà hàng. Do đó, việc mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc được nhiều công ty, nhà máy quan tâm.

Một số công ty đã đưa sản phẩm tra, basa ra Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc với các sản phẩm chả lụa basa, xúc xích basa, chạo sả basa, chả viên basa, basa cắt khúc, basa kho tộ…

Theo các nhà chuyên môn, cá tra, basa chứa hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu cao, rất tốt cho cơ thể. Bởi vậy, các sản phẩm từ loài cá này được đánh giá là rất ngon, hấp dẫn.

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 500 tấn cá tra, basa tươi sống được vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố, và chủ yếu từ các nông trại nhỏ. Người dân ĐBSCL hy vọng trong một ngày gần đây người dân các tỉnh phía Bắc cũng được thưởng thức nhiều hơn nữa đặc sản của sông Cửu Long, khi hệ thống phân phối cá tra, basa vươn rộng ra cả nước.

>>  Hiện, sản phẩm cá tra bán cho người tiêu dùng trong nước có giá cao hơn xuất khẩu. Đơn cử, giá cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu chỉ ở mức 56.000 – 60.000 đồng/kg, nhưng bán lẻ tại Hà Nội là 90.000 đồng/kg; Cá tra cắt khúc đông lạnh cũng đã là 70.000 – 80.000 đồng/kg.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *