Tiềm năng cho nông sản Việt tại Nhật Bản

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 22,6 tỷ USD, tăng 11,3%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020.

Dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt như: Cà phê tăng 25,5%; hàng rau quả tăng 20%; hạt điều tăng 39%; hạt tiêu tăng 56%… Một số mặt hàng hoa quả Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường như thanh long, xoài, dừa, vải…

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá, số lượng người dân đến từ các nước châu Á đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản lên tới 10 triệu người. Đồng thời, số lượng người Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua, với số liệu thống kê khoảng gần 500.000 người trong năm 2021.

Do vậy, các mặt hàng nông, thủy sản – thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản. Đây là những tiền đề cho hàng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Nhật Bản trong thời gian tới.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số đặc thù của thị trường Nhật Bản để xuất khẩu tới Nhật Bản thuận lợi và bền vững. Theo đó, cần tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước là thành viên.

Đặc biệt, người tiêu dùng Nhật Bản khá nhạy cảm với sự thay đổi liên tục về giá bán sản phẩm, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam. Các sản phẩm cần bảo đảm chất lượng nhằm đáp ứng các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản; đồng thời cần có sự đa dạng về khẩu vị cho phù hợp với người Nhật. Ngoài ra, cần sự cải tiến về thiết kế mẫu mã, bao bì cho bắt mắt và thu hút người tiêu dùng. 

Minh Hiếu

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *