Tích cực đối phó lạm phát tại EU

Lạm phát có thể kéo dài

Theo báo cáo của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 1/7, lạm phát châu Âu đã được xác định là từ 8,5% đến 8,6%. Lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của những người làm công ăn lương và dẫn tới việc cắt giảm chi tiêu.

Lần đầu tiên trong vòng 20 năm đồng EUR mất giá so với đồng USD. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, khiến cho 1 EUR chỉ quy đổi được 0,99 USD. Việc đồng minh lớn của châu Âu là Mỹ buộc phải tăng giá USD cho thấy khủng hoảng lạm phát diễn biến khó lường. Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% so với một năm trước đó. Lạm phát ở Mỹ ở mức cao nhất trong 40 năm.

6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu cá tra sang khu vực EU bình quân 3,45 USD/kg. Ảnh: CTV

Lạm phát xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song cơ bản là giá năng lượng và lương thực tăng đột biến. Giá năng lượng tăng 41,9% trong một năm. Người tiêu dùng tại EU chính là nạn nhân trực tiếp của lạm phát khi bột mỳ tăng lên 52,3% so với năm ngoái, giá sữa tăng 31,3%; giá đường tăng 25%, giá trứng tăng 14,2%, giá thịt lợn tăng 25%.

Hệ lụy

Việc nhiều nước chật vật đối phó với lạm phát, cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu dẫn tới xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Đại diện VASEP cho biết, tại Mỹ, lượng thủy sản được tiêu thụ, trong đó có cá tra đang có dấu hiệu chững. Nguyên nhân một phần do lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Theo VASEP, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu vốn chỉ khoảng 2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg. Giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ lên tới mức 4,5 USD/kg (trước đây mức giá này chỉ đạt từ 2,9 – 3,1 USD/kg).

Giá thủy sản xuất khẩu tăng do thiếu hụt nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng. Các doanh nghiệp trước mắt sẽ hưởng lợi do giá USD tăng và giá các mặt hàng xuất khẩu tăng, song theo các chuyên gia kinh tế phân tích thì việc sản phẩm tăng trong bối cảnh lạm phát chắc chắn sẽ là một bất lợi cho các nhà sản xuất khẩu. Việc thắt chặt chi tiêu của người dân EU chắc chắn sẽ nhắm vào việc cắt giảm các sản phẩm đang tăng giá. Dù rằng sản phẩm thủy sản khác với sản phẩm gỗ, vì đây là nhóm là thực phẩm thiết yếu, nhưng nếu giá xuất khẩu từ Việt Nam tăng cao sẽ dẫn tới hệ lụy là khách hàng tại Mỹ và châu Âu sẽ lựa chọn sản phẩm thủy sản từ các thị trường phân khúc rẻ hơn.

Giải pháp thích ứng

Để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý; nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát…

Trong đó, Bộ Công thương chủ trì, cùng với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất, giảm thiểu tác động của nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên, vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế

Với lĩnh vực thủy sản, hiện tại, các doanh nghiệp ngành hàng này đều đang tích cực vừa đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm vừa triệt để cắt giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm. Để đối phó với lạm phát và bất ổn kinh tế kéo dài, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam cần phải kìm hãm đà tăng giá sản phẩm của mình, nhằm tạo ra sức cạnh tranh và sức hút cho sản phẩm trên thị trường EU và Mỹ đang trên đà cắt giảm chi tiêu mua sắm.

Trần Nguyễn

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *